|
Vũ khí siêu thanh Wu-14 của Trung Quốc có thể mang đầu đạn hạt nhân |
Theo tờ báo Washington Free Beacon, vụ thử nghiệm thiết bị tấn công siêu thanh Wu-14 đã được tiến hành hôm chủ nhật vừa qua (7-6). Trong vụ thử lần này, vũ khí tấn công siêu thanh đã được gắn trên đỉnh của một quả tên lửa đạn đạo phóng từ một cơ sở thử nghiệm ở miền tây Trung Quốc.
Tình báo Mỹ thường theo dõi chặt chẽ các vụ thử này. Vũ khí tấn công siêu thanh Wu-14 đã "cơ động cực kỳ linh hoạt", hơn những lần thử nghiệm trước đó, mà các quan chức tình báo cho là nhằm kiểm tra khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Vụ thử hôm chủ nhật vừa qua là vụ thử nghiệm thứ 4 trong vòng 18 tháng, sau các vụ phóng thử trước đó vào các tháng 1, 8 và 12 năm ngoái. Tần suất của các vụ thử nghiệm này cho thấy Trung Quốc quyết tâm phát triển loại vũ khí mới này.
Phương tiện Wu-14 có thể cơ động với tốc độ cao trong bầu khí quyển sát vũ trụ trong khi mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Loại vũ khí công nghệ cao này có thể bay với tốc độ gâp 10 lần tốc độ âm thanh, tương đương hơn 12.000 km/giờ.
Loại vũ khí thử nghiệm này, được thiết kế để đối phó với các hệ thống tên lửa đạn đạo, có khả năng tiếp cận mục tiêu bằng công nghệ lượn tương đối phẳng, làm giảm khả năng bị phát hiện. Việc sản xuất hàng loạt hệ thống phóng như vậy cũng sẽ gia tăng tầm bắn của các tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện tại của Trung Quốc lên 1/3 lần.
Mỹ và Trung Quốc được cho là đang tham gia vào cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh. Mùa hè vừa qua, Mỹ cũng có vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh của riêng mình sau khi Trung Quốc phóng thử Wu-14 lần 2, tuy nhiên, cả 2 đều đã thất bại.
Dự luật ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2016 mới nhất của Mỹ đã thừa nhận mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, và kêu gọi Lầu Năm Góc tiến hành các vụ thử nghiệm liên quan đến hệ thống có tính năng tương tự. Dự luật cũng chi 291 triệu USD cho một hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại các mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh.
Nga cũng tuyên bố kế hoạch chế tạo tên lửa siêu thanh đầu tiên cho mình trước năm 2020, trong khi Ấn Độ cũng đã bắt tay vào quá trình phát triển các loại vũ khí siêu tốc tương tự.
Theo: An ninh Thủ đô