Trung Quốc đưa biên đội tàu sân bay Liêu Ninh xuống Trường Sa và bố trí 4 máy bay J-10 ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa

VietTimes -- Hãng vệ tinh thương mại Image Sat International(ISI) của Israel hôm 19/6 đã chụp được ảnh của 4 chiếc máy bay tiêm kích J-10 đậu trên đường băng sân bay Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Trong khi đó, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh gồm 5 tàu đã vào Biển Đông và có thể đến gần các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép ở Trường Sa.
Hình ảnh vệ tinh chụp cho thấy 4 chiếc J-10 đỗ trên đường băng sân bay ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa
Hình ảnh vệ tinh chụp cho thấy 4 chiếc J-10 đỗ trên đường băng sân bay ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa

Máy bay tiêm kích đa năng J-10 “phơi mặt” tại Phú Lâm

Đây là lần thứ 2 kể từ năm 2017 người ta lại phát hiện thấy máy bay chiến đấu Trung Quốc có mặt trên đảo Phú Lâm (Woody Island) mà Trung Quốc tự đặt tên là Yongxing (Vĩnh Hưng) và là lần đầu tiên loại máy bay này xuất hiện trên một hòn đảo bị Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông. Sự xuất hiện của chúng đúng vào lúc tình hình Biển Đông lại trở nên căng thẳng bởi sự kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines, tàu Liêu Ninh xuống Trường Sa và trước thềm cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình tại Hội nghị cấp cao G20 sắp diễn ra.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bố trí máy bay J-10 trên một hòn đảo trên Biển Đông, được cho là có thể chuẩn bị cho việc lập Khu nhận diện phòng không ADIZ
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bố trí máy bay J-10 trên một hòn đảo trên Biển Đông, được cho là có thể chuẩn bị cho việc lập Khu nhận diện phòng không ADIZ

Theo phỏng đoán căn cứ vào những thiết bị xung quanh, vị trí những chiếc máy bay đỗ, những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 này đã có mặt tại đây ít nhất 10 ngày. Qua ảnh vệ tinh mà ISI cung cấp có thể thấy 4 chiếc J-10 đậu trên đường băng không hề được che bạt. Vì vậy, chuyên gia quân sự Australia Peter Layton ở Viện Nghiên cứu châu Á bang Griffithia cho rằng có vẻ người Trung Quốc cố ý để người ta nhìn thấy, nếu không họ đã đưa chúng vào giấu trong các hangga. Việc những chiếc J-10 này đỗ ngoài đường băng có thể liên quan đến việc bố trí huấn luyện; cũng có thể những chiếc J-10 này được để ở đây chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng không bảo vệ Vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc sắp công bố. Cũng có thể việc cố ý để cho thế giới thấy chúng ở đây nhằm thể hiện, “đây là lãnh địa của Trung Quốc họ có thể bố trí máy bay quân sự ở đây nếu muốn”, trong tương lai việc Bắc Kinh bố trí máy bay chiến đấu tại đây có thể trở nên thường xuyên.

Một biên đội J-10 đang tuần tra trên biển
Một biên đội J-10 đang tuần tra trên biển

Một quan chức quân sự Mỹ, ông Carl Schuster – cựu Trưởng phòng Tác chiến Trung tâm Tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ - cho rằng, Trung Quốc muốn thể hiện chủ quyền của họ đối với khu vực đang tranh chấp với Việt Nam này; đồng thời muốn tỏ cho thế giới biết họ có năng lực đưa máy bay ra đảo bất cứ lúc nào để mở rộng thực lực của không quân xuống Biển Đông.

Chuyên gia người Australia Peter Layton phán đoán, đây có lẽ là một kiểu bố trí huấn luyện sớm; trong tương lai, Trung Quốc có thể bố trí tại đây một phi đôi J-10 để làm nhiệm vụ tuần tra thực hiện cho việc lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ).

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã vào Biển Đông

Theo trang web của “Thời báo Hoàn cầu” ngày 20/6, trong một diễn biến khác có liên quan, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã từ biển Hoa Đông vượt qua eo biển Miyako Strait vào Tây Thái Bình Dương ngày 11/6 để tiến hành chuyến tuần tra viễn dương đầu tiên. Được biết, biên đội tàu Liêu Ninh đã tiếp cận vùng biển Guam, sau đó vòng qua biển Zulu ở Nam Philippines, hiện đã vào Biển Đông, có thể sẽ đến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã lấp biển bồi đắp trái phép những năm qua ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, gây ra tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

“Thời báo Hoàn cầu” cho biết, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã vào Biển Đông, có thể sẽ tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa
“Thời báo Hoàn cầu” cho biết, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã vào Biển Đông, có thể sẽ tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa

Được biết, biên đội này, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, còn có chiếc Khu trục mang tên lửa đạn đạo Type 051C Thạch Gia Trang (Shijiazhuang, 116), tàu tiếp tế hậu cần viễn dương Type 901 Hô Luân Hồ (Holunhu, 965), tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo Type 052D Tây Ninh (Xining, 117), 2 tàu hộ vệ tên lửa đạn đạo Type 054A Đại Khánh (Daqing, 576) và Nhật Chiếu (Rizhao, 598).

Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã cho tàu chiến và máy bay giám sát chặt chẽ các hoạt động của biên đội tàu Liêu Ninh.

Giải mã về “Mãnh Long” J-10

“Mãnh Long” J-10 là loại máy bay tiêm kích đa nhiệm được hợp tác thiết kế với Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel và do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô chế tạo cung cấp cho Không quân Trung Quốc và đưa vào biên chế lần đầu tiên năm 2005; hiện đã có hơn 400 chiếc J-10 đã xuất xưởng. Được thiết kế vừa là máy bay tiêm kích vừa là máy bay ném bom hạng nhẹ, J-10 sử dụng được cho các phi vụ ở mọi thời tiết, đêm và ngày. Trung Quốc dự tính có thể xuất khẩu loại máy bay này như một mẫu thay thế cho các nước sử dụng F-16 mà chỉ rẻ bằng nửa giá F-16. Tuy nhiên kế hoạch này không được thành công lắm vì có quá nhiều máy bay F-16 cũ đã qua sử dụng được Mỹ bán với giá thấp hơn J-10 trên thị trường.

1 chiếc J-10A
1 chiếc J-10A

Đã qua nhiều lần cải tiến, phiên bản mới nhất là J-10C ra mắt lần đầu năm 2015, tháng 4/2018 bắt đầu đảm nhiệm nhiệm vụ trực ban chiến đấu, bán kính chiến đấu của J-10 đạt 740km, có thể vươn tới phần lớn Biển Đông và các tuyến hàng hải quan trọng. Đảo Phú Lâm cách Hải Nam 350km nên có thể trở thành một căn cứ trung chuyển để tiến hành các chuyến tuần tra Biển Đông, kéo dài thời gian bay, giúp nâng cao khả năng kiểm soát Biển Đông.

Chương trình sản xuất được thai nghén từ đầu thập kỷ 1980 để đối trọng với các máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư mới đang được Liên Xô đưa ra ở thời điểm ấy (là loại MiG-29 và Su-27). Ban đầu nó được thiết kế với vai trò chính chống máy bay chiến đấu, sau này được sửa đổi thành máy bay đa năng có thể đảm đương cả hai nhiệm vụ không chiến (tiêm kích) và tấn công mặt đất (cường kích). Cũng có dư luận cho rằng loại J-10 dựa trên nguyên mẫu hiện đã bị hủy bỏ của Israel là loại Lavi.

Một chiếc J-10 mang đầy đủ "đồ chơi" cùng 3 thùng dầu phụ
Một chiếc J-10 mang đầy đủ "đồ chơi" cùng 3 thùng dầu phụ

Được bảo mật thiết kế rất chặt chẽ, nhiều chi tiết của chiếc J-10 hiện vẫn chưa được tiết lộ và chúng là mục tiêu của rất nhiều lời đồn đại. Có tin J-10 được phát triển dựa trên một chiếc F-16A/B duy nhất có được từ Pakistan vào đầu thập kỷ 1990. Chuyến bay đầu tiên của chiếc J-10 diễn ra năm 1996, nhưng chương trình này đã bị hoãn lại một thời gian khá dài vì một vụ tai nạn nghiêm trọng năm 1997. Vụ tai nạn này được cho là do lỗi hệ thống fly-by-wire. Một máy bay mẫu đã bay thử thành công tháng 3/1998, tái khởi động việc thử nghiệm bay của nó. J-10 bắt đầu được đưa vào trang bị sử dụng trong Không quân Trung Quốc (15 chiếc cho trung đoàn 131, sư đoàn không quân 44 bố trí ở tỉnh Vân Nam) từ năm 2004 và được khoe như loại máy bay chiến đấu hiện đại hoàn hảo do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo. Chiếc J-10 đầu tiên với ống nhận tiếp dầu trên không xuất hiện năm 2005. Máy bay J-10 được chính thức bay biểu diễn trình làng tại Triển lãm hàng không Chu Hải ngày 5/11/2008. Sau đó xuất hiện mẫu J-10S 2 chỗ ngồi; loại J-10A một chỗ ngồi ngừng sản xuất từ năm 2014. Hiện nay đội bay mẫu Sao Đỏ (Hongxing) của không quân Trung Quốc đang sử dụng J-10 trong các cuộc trình diễn trong, ngoài nước từ năm 2009.

J-10 thuộc đội hình đội bay mẫu Sao Đỏ của không quân Trung Quốc đang bay biểu diễn
J-10 thuộc đội hình đội bay mẫu Sao Đỏ của không quân Trung Quốc đang bay biểu diễn

Cho tới nay có tin loại J-10 đã được Trung Quốc xuất khẩu cho “người anh em thân thiết” Pakistan dưới tên gọi FC-20. Cựu Tổng thống Pakistan, Tướng Pervez Musharraf, từng tiết lộ về việc được đến thăm cơ sở sản xuất bí mật loại J-10 & JF-17 và ngồi trên buồng lái của cả hai loại máy bay này vào cuối tháng 2 năm 2006. Có tin Pakistan có thể ký hợp đồng mua 150 chiếc.

Ngoài ra năm 2016, Iran cho biết sẽ đặt mua 24 chiếc J-10, Bangladesh tháng 6/2018 cũng bày tỏ sẽ mua 14 chiếc J-10. Tuy nhiên theo tin mới nhất, chưa có bất ký hợp đồng mua bán chính thức nào được ký giữa Trung Quốc với các nước này.

Một số thông số kỹ thuật của “Mãnh Long” J-10: (4 biến thể J-10A, S, B và C).

Phi công: 1 (J-10A) và 2 (các biến thể sau)

Dài: 16,43 m

Sải cánh: 9,75 m

Chiều cao: 5,43 m

Diện tích cánh: 33,1 m² (có tin 40 m²)

Trọng lượng rỗng: 9.750 kg (có tin 8.840kg)

Trọng lượng tải: 12.400 kg

Trọng tải vũ khí: 6.000 kg

Lượng dầu tối đa: 3.600kg

Trọng lượng cất cánh tối đa: 19.277 kg

Động cơ: 1 × Saturn-Lyulka AL-31FN hoặc WS-10A

Vận tốc tối đa: Mach 2,2 khi bay cao (có nguồn 1,8 M) và Mach 1,2 khi bay thấp.

Trung Quốc đưa biên đội tàu sân bay Liêu Ninh xuống Trường Sa và bố trí 4 máy bay J-10 ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa  ảnh 7

Một biên đội J-10, phía dưới là chiếc J-10S hai chỗ ngồi

Bán kính chiến đấu: 1.600 km (khi được tiếp nhiên liệu trên không), 1.250 km (khi không mang thùng dầu phụ)

Tầm bay tuần tra: 1.850 km

Trần bay: 17.000 m

Lực nâng của cánh: 381 kg/m²

Lực đẩy/trọng lượng: 1,024 (AL-31); 1,085 (WS-10A)

Giá treo vũ khí: 11 (3×2 dưới mỗi cánh, 5 dưới thân máy bay). Mang được 6000 kg vũ khí

Vũ khí:

Pháo: 1×pháo 23mm Type 23 2 nòng

Rocket 90 mm

Tên lửa không đối không:PL-8, PL-9, PL-11, PL-12

Tên lửa không đối đất: PJ-9, YJ-9K, YJ-91

Bom: Bom dẫn đường LT-2 và LS-6

Có thể mang 3 thùng nhiên liệu phụ./.