Trung Quốc “đòi chủ quyền” Okinawa của Nhật, quá nguy hiểm!

VietTimes -- Nhật Bản có thể không mạnh bằng Trung Quốc, nhưng đó là một cường quốc quân sự với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nhật Bản cũng được siêu cường hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ hậu thuẫn, hai nước Nhật-Mỹ có hiệp định an ninh và Mỹ có căn cứ quân sự lớn tại Okinawa.
Chiến hạm hải quân Nhật Bản
Chiến hạm hải quân Nhật Bản

Năm 2013, thế giới được phen sửng sốt khi giới chức, học giả và báo chí Trung Quốc nói rằng nhóm đảo Ryukyus thuộc về Trung Quốc. Yêu sách hoang đường này dựa trên thực tế dân trên nhóm đảo Ryukyu từng triều cống Trung Quốc hơn 600 năm trước.

Chính quyền Trung Quốc khi đó đã không chính thức cổ súy cho yêu sách này nhưng cũng không bác bỏ. National Interest mới đây dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc đòi chủ quyền đối với Ryukyus chỉ là cách Trung Quốc gây áp lực lên Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Máy bay của Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên chạm trán nhau gần Senkaku, trong các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng liên tục tiến vào phạm vi vùng nước xung quanh quần đảo. Những hành động khiêu khích của Trung Quốc đã thúc đẩy Nhật Bản hiện đại hóa quân đội.

Theo National Interest, sự chú ý của thế giới tập trung nhiều hơn vào yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông. Tuy nhiên, tranh cãi chấp chủ quyền đối với Ryukyus và Okinawa cho dù chỉ là một chiêu trò đàm phán vẫn tiềm ẩn nguy hiểm. Cho tới gần đây, các cường quốc lớn đòi lãnh thổ của nhau không phải là không phổ biến. Trở lại 100 năm trước, Pháp và Đức từng tranh chấp vùng Alsace-Lorraine.

Nhưng kể từ năm 1945, việc yêu sách lãnh thổ của các siêu cường đã không được đặt ra. Suy nghĩ rằng Nga có thể tuyên bố hiệp ước 1867 với Mỹ không có hiệu lực và đòi thu hồi bang Alaska do vậy không thuyết phục, thậm chí điên rồ và hài hước. Thực tế là các siêu cường không còn trực tiếp đánh nhau nữa, nhưng thay vì thế sẽ sử dụng các lực lượng ủy nhiệm (Trung Quốc chiến tranh kháng Mỹ viện Triều trong chiến tranh Triều Tiên là một ngoại lệ và vào năm 1950, Trung Quốc không phải là một cường quốc lớn).

Cho dù Ryukyus có thực sự thuộc về Trung Quốc hay không, cho dù Trung Quốc có muốn hay không muốn, Okinawa hiện nay vẫn được coi là chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản. Trung Quốc không thể đòi hỏi chủ quyền với khu vực này hiện nay cũng như Nhật Bản không thể yêu sách lãnh thổ đối với Mãn Châu và Triều Tiên, National Interest nhấn mạnh.

Đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ từ một cường quốc lớn khác trong thời đại hạt nhân không phải là một ý tưởng thông minh. Cho dù Nhật Bản có thể không mạnh bằng Trung Quốc, nhưng đó là một cường quốc quân sự với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, phi hạt nhân. Nhật Bản cũng được siêu cường hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ hậu thuẫn, hai nước Nhật-Mỹ có hiệp định an ninh theo đó Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản và Mỹ có căn cứ quân sự lớn tại Okinawa.

Hải quân Mỹ và hải quân Nhật Bản tập trận trên biển
Hải quân Mỹ và hải quân Nhật Bản tập trận trên biển

Theo National Interest, không tổng thống Mỹ nào có thể để Trung Quốc chiếm lãnh thổ Nhật Bản mà nước Mỹ lại không bị làm nhục hoàn toàn ở châu Á và trên toàn thế giới. Không một chính phủ Nhật Bản nào có thể làm mất Okinawa mà hy vọng có thể tại vị và cũng khó tưởng tượng như việc tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nhượng bộ yêu sách của Trung Quốc về việc đòi lại Siberia. Một cuộc xung đột về Ryukyus sẽ chắc chắn leo thang vòng xoáy thành một cuộc chiến tranh lớn với sự can dự của nhiều quốc gia.

Trừ phi những cái đầu nóng nhớ lại bài học về hai cuộc chiến tranh thế giới, hy vọng rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền Okinawa chẳng có ý nghĩa gì hơn là một chiêu trò nhằm giữ vị thế.