|
"Đường lưỡi bò" đã bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ khiến Trung Quốc mất uy tín |
Ông Tim Huxley, giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở châu Á nói các cuộc đàm phán song phương sắp tới của Bắc Kinh với các bên tranh chấp khác như Việt Nam và Philippines sẽ diễn ra trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông nhận định: "Nói cách khác, Philippines và Việt Nam sẽ nói: Được, chúng ta có thể nói chuyện. Nhưng chúng tôi sẽ không nói theo các điều kiện của quý vị. Mà chúng tôi sẽ theo các điều kiện của chúng tôi và các điều kiện của chúng tôi là trên cơ sở pháp luật quốc tế".
Nhà nghiên cứu ở Singapore này nói thêm rằng có thể mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, mới thấy được những tác động dài hạn của phán quyết trên thực tế.
Hồi đầu tuần này, Bắc Kinh đã tác động để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố chung nhưng không nhắc đến Trung Quốc hoặc phán quyết của tòa trọng tài trong thông cáo chung của ASEAN sau cuộc họp của các ngoại trưởng tại Lào.
Có thể Trung Quốc đã giữ được thể diện bằng cách gây sức ép với ASEAN, nhưng liệu Bắc Kinh có giữ được uy tín của họ không? Walden Bello, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Kyoto, Nhật Bản nhận xét: "Trong ngắn hạn, các nước có thể bị dọa dẫm, nhưng các mưu toan bắt nạt này bị người ta ghi nhớ, và chắc chắn sau cùng sẽ giúp Trung Quốc giành được điểm".
Còn ông Bello, cựu dân biểu Hạ viện Philippines nói: "Vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ở đây là họ càng lên án phán quyết, họ càng mất đi độ tin cậy". Ông Dan Steinbock, giám đốc nghiên cứu về kinh doanh quốc tế tại Viện Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ cho rằng vụ khiếu nại của Philippines và phản ứng của ASEAN đối với phán quyết của tòa là những ví dụ hoàn hảo về việc các nước châu Á đang bị mắc kẹt ra sao giữa việc bảo đảm an ninh của Mỹ và hợp tác kinh tế của Trung Quốc.
Ông Steinbock cho rằng các nước ASEAN biết quá rõ rằng "luật pháp quốc tế là một chuyện, còn hiện thực về chính sách trong khu vực là một chuyện khác". Ông Steinbock lập luận rằng xác suất vô tình xảy ra xung đột ở khu vực vẫn tiếp tục tăng, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên liên quan để xuống thang căng thẳng thông qua xây dựng lòng tin và đàm phán.
Một số nhà quan sát ghi nhận, cho dù phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực sẽ tiếp tục gây nhức nhối cho Trung Quốc, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy là Bắc Kinh đang từ bỏ tham vọng chủ quyền tại vùng biển này.
Tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục nhiều hoạt động để khẳng định quyền kiểm soát, đặc biệt trên quần đảo Trường Sa. Vài ngày sau khi Tòa ra phán quyết, tập đoàn viễn thông China Telecommunications Corp – một trong công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này – quyết định triển khai dịch vụ internet 4G tại 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh đang kiểm soát trái phép ở quần đảo Trường Sa. Một tập đoàn viễn thông lớn khác cũng chuẩn bị một kế hoạch tương tự.
Trung Quốc cũng đang cho xây dựng bốn bến cảng tại khu vực này, để chuẩn bị đón đến 2 triệu khách du lịch một năm.
Ngày 28/7, bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận với Nga tại Biển Đông trong tháng 9/2016. Đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa hai nước tại khu vực này. Đây là cũng là cuộc tập trận đầu tiên được dự trù sau phán quyết của Tòa án La Haye.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ có những phản ứng táo tợn hơn nhiều sau hội nghị G20 - nhóm các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới - tổ chức từ ngày 4 đến ngày 5/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện tư vấn Heritage Foundation (Mỹ), đề xuất biện pháp đối phó với các tham vọng của Trung Quốc, trong một phân tích được đưa ra một tuần sau khi Tòa án ra phán quyết. Đó là thay vì đặt trọng tâm vào ASEAN, Washington cần hỗ trợ nhóm các nước có liên quan trực tiếp đến các tranh chấp với Bắc Kinh, tức Philippines, Việt Nam, Maylaysia và Brunei xây dựng một lập trường chung. Điều này có thể tạo thêm một áp lực chính trị và ngoại giao để buộcTrung Quốc phải xét lại quan điểm.