Trung Quốc đe chiến tranh nếu Nhật Bản can thiệp Biển Đông

VietTimes -- Ngày 20.08.2016, Japan News dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với một quan chức cao cấp Nhật Bản: Tokyo không nên đưa lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia sứ mệnh duy trì tự do hàng hải của Mỹ trên vùng nước tranh chấp Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông
Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông

Theo nguồn tin trên, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa trong cuộc đối thoại với một quan chức cao cấp tại Tokyo đã nhấn mạnh: Nhật Bản sẽ bị coi là "vượt qua lằn ranh đỏ" nếu đưa các chiến hạm của lực lượng Phòng vệ tham gia vào sứ mệnh duy trì tự do hàng hải. Trình Vĩnh Hoa thậm chí còn ám chỉ một hành động quân sự.

Lời cảnh báo được đưa ra không lâu trước khi Tòa án trọng tài Thường trực quốc tế về Luật Biển đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philipines với Trung Quốc về những mâu thuẫn trên Biển Đông.

Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague ngày 12.07.2016 đưa ra phát quyết rằng tuyên bố đòi hỏi ‘chủ quyền lịch sử” ngang ngược của Trung Quốc chiếm hầu hết diện tích Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Trung Quốc tuyên bố bác bỏ phán quyết này, nhưng Mỹ và Nhật Bản kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết và luật pháp quốc tế.

Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đưa ra những cảnh báo đối với phía Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ gặp Ngoại trưởng Fumio Kishida tại Tokyo bên lề một cuộc họp bộ trưởng ba bên Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vào cuối tháng này.

Chính phủ Nhật Bản đến thời điểm này chưa có kế hoạch đưa lực lượng Phòng vệ tham gia sứ mệnh duy trì quyền tự do hàng hải do Washington khởi xướng, nhưng từ tháng 10.2016, Mỹ đã đưa các chiến hạm hải hành gần quần đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Tuy nhiên chính phủ Nhật Bản đã cho phép điều các chiến hạm hải quân tới vùng biển đang có tranh chấp để bảo vệ các chiến hạm Mỹ theo Luật an ninh mới, theo đó đã mở rộng vai trò lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong việc tham gia các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài.

Các quan chức cao cấp của chính phủ cho biết: Nhật Bản có thể đưa lực lượng Phòng vệ biển (JMSDF) đến bất cứ khu vực nào trên thế giới miễn là sứ mệnh đó đóng góp cho nền quốc phòng đất nước và không vi phạm các hạn chế, được áp đặt theo nguyên tắc từ bỏ chiến tranh của Hiến pháp Nhật Bản.

Theo nguồn tin ngoại giao, ông Trình Vĩnh Hoa đã nói với quan chức cấp cao tại Tokyo rằng Nhật Bản không nên tham gia vào một "hành động quân sự chung với quân đội Mỹ, hành động này là nhằm mục đích loại trừ Trung Quốc trên Biển Đông". Ông Trình cũng khẳng định: Trung Quốc sẽ kiên quyết không nhượng bộ về chủ quyền và không sợ những hành động khiêu khích quân sự".

Hãng tin Kyodo News nhận định, những ý kiến của đại sứ Trung Quốc có mục đích rõ ràng nhằm ngăn chặn Tokyo can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nơi Nhật Bản không trực tiếp có những đòi hỏi lợi ích chủ quyền.

Trong cuộc đối thoại, quan chức cao cấp Tokyo đã nhấn mạnh với đại sứ Trình rằng Nhật Bản hiện không có kế hoạch tham gia sứ mệnh duy trì tự do hàng hải của Mỹ, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ chương trình bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm mục đích bành trướng quân sự.

Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung – Nhật đang gia tăng cao độ, nguyên nhân từ một sự cố tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước mới diễn ra trên vùng nước quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông, Trung Quốc gọi quần đảo này là Điếu Ngư.

Ngày 9.6, một tàu hải quân Trung Quốc đã đi vào vùng biển lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo này, buộc Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki  phải triệu tập đại sứ Trình Vĩnh Hoa đến Bộ Ngoại giao để tuyên bố kháng nghị động thái chưa từng có này của hải quân Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Akitaka Saiki nhấn mạnh với đại sứ Trình rằng, Nhật Bản sẽ thực hiện những "hành động cần thiết" nếu tàu hải quân Trung Quốc tiếp tục thâm nhập vào vùng lãnh hải quốc gia. Điều này có thể được hiểu rằng, sự xâm nhập quân sự vào vùng lãnh hải, Nhật Bản xác định đó là "lằn ranh đỏ", tình huống này sẽ buộc Tokyo phải điều động Lực lượng phòng vệ Nhật Bản can thiệp.

Nhật Bản gửi ít nhất 32 công hàm phản đối Trung Quốc

Ngày 21/8, Tokyo lại lên tiếng phản đối Bắc Kinh về việc tàu cải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng mà Nhật Bản xem là lãnh hải của mình quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Từ ngày 5/8 đến nay, Nhật Bản đã gửi ít nhất 32 công hàm phản đối đến phía Trung Quốc liên quan đến khoảng 30 vụ tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản.

Theo lực lượng tuần Duyên Nhật Bản, 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lúc khoảng 10 giờ (giờ địa phương), trước khi rút đi một tiếng đồng hồ sau đó.

Tổng vụ trưởng vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại Giao Nhật Bản, Kenji Kanasugi, ngay lập tức đã gửi đến đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo một công hàm phản đối một hành động «vi phạm chủ quyền của Nhật Bản».

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ: «Bất chấp những lời phản đối mạnh mẽ và liên tục Nhật Bản, phía Trung Quốc vẫn liên tiếp có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên hiện trường, và đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được».