Trung Quốc đặt tên lửa gần biên giới Nga, Kremlin phản ứng gì

VietTimes -- Ngày 24.01.2017, trang Hoàn Cầu đăng tải thông tin cho biết, Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong- 41 tại khu vực Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang, sát với đường biên giới Viễn Đông Nga. Với thực tế triển khai tên lửa này, điện Kremlin không phủ nhận cũng không bình luận. 
Hệ thống tên lửa đạn đao DF-41, được triển khai trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang
Hệ thống tên lửa đạn đao DF-41, được triển khai trên địa bàn tỉnh Hắc Long Giang

Phát ngôn viên Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết Moscow không coi các động thái quân sự tương tự của Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh quốc gia. Theo ông Peskov, Bắc Kinh là đối tác chiến lược và là đồng minh Moscow trong các định hướng chính trị, kinh tế và thương mại. “Chúng tôi rất trân trọng mối quan hệ giữa hai nướ... Ít nhất, sự phát triển quân sự của Trung Quốc chúng ta không nhìn nhận như mối đe dọa đối với nước Nga”, ông nói

Hành động đáp trả những tuyên bố của Trump

Báo Hoàn Cầu, trong bài viết của mình có bình luận, " động thái này, có thể nói nhằm mục đích trực tiếp chống Mỹ, chứ không nhằm chống nước Nga." Hơn nữa, thông tin về vị trí triển khai tên lửa, dường như cố tình xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc chỉ một vài ngày sau lễ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ, báo Trung Quốc nhận xét.

Tác giả của bài viết giải thích rằng chính quyền Donald Trump "thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và Trung Quốc sẵn sàng có hành động mạnh mẽ đáp trả những áp lực từ phía chính phủ Mỹ." Theo nhận xét của bài báo: tổ hợp Đông Phong 41 (DF-41) sẽ tăng cường vị thế sức mạnh của quân đội Trung Quốc trên trường thế giới do tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 có tầm bắn lên đến 14.000 km, có khả năng với tới bất kỳ điểm nào trên hành tinh.

Những tính toán chiến lược lâu dài

Để có thể chế tạo được loại vũ khí tiên tiến này, Bắc kinh phải bỏ ra hàng chục năm phát triển, chuyên gia quân sự, trưởng ban biên tập tạp chí "Tiềm lực Tổ quốc - Arsenal Otechestva" Victor Murakhovski nhận xét. Theo ông, việc triển khai tên lửa đạn đạo trên biên giới với Nga - một phần của chương trình quy mô lớn của Bắc Kinh nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, được thông qua rất lâu trước khi có sự xuất hiện tên tuổi vị tổng thống mới của Mỹ trong trong chính sách đối ngoại quốc phòng.

“Sự phát triển tổ hợp tên lửa này kéo dài ít nhất là 12-15 năm, sự lựa chọn khu vực triển khai tên lửa và xây dựng khu vực phóng đòi hỏi ít nhất là 5 năm. Trong những thời gian trước đó, hoàn toàn chưa có Donald Trump! Ông Murakhovski nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RT. Thông tin về tổ hợp tên lửa liên lục địa DF-41 chỉ mới được công khai hơn 1 năm trước đây, không rõ vì sao Hoàn Cầu lại đưa ra thông tin về vị trí triển khai tên lửa trong thời gian này?”.

Ngoài tầm với của hệ thống đánh chặn đối phương

Vị trí dự kiến triển khai tên lửa đạn đạo không gần với biên giới nước Nga, trên khoảng cách 500-600 km, ông Glavred từ tạp chí "Tiềm lực Tổ quốc" cho biết. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng, số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc thua kém đáng kể nếu so Mỹ và Nga. Hơn nữa, Nga và Trung Quốc có hiệp định về quan hệ đối tác chiến lược. Bắc Kinh không có một hiệp ước nào tương tự với Washington.

Tình Hắc Long Giang (màu vàng) địa bàn triển khai tên lửa đạn đạo chiến lược DF - 41 của Trung Quốc

Ông Murakhovski nhận xét: Triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân trong khu vực gần với biên giới nước Nga cho thấy, Trung Quốc đang hướng tới việc tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân đối với Mỹ. Quân đội Mỹ đang duy trì các phương tiện đánh chặn tên lửa trên biển, vì vậy Trung Quốc muốn triển khai các tổ hợp tên lửa trên các khu vực cách xa đường hải giới, ngoài tầm với của hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên các chiến hạm Mỹ.  

Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị và Xã hội học Đại học Kinh tế Quốc dân mang tên Plekhanov, thành viên Hiệp hội các nhà khoa học chính trị quân sự Andrei Koshkin nhận định rằng, thực tế việc công khai thông tin vị trí triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa không phải là tình cờ

“Thông thường, các động thái triển khai vũ khí chiến lược thường được tiến hành hoàn toàn bí mật, việc rò rỉ thông tin trên truyền thông đại chúng hàm chứa một mục đích rõ rệt".

Theo ông Koshkin, Bắc Kình không cần thiết phải gửi một tin hiệu cảnh báo tương tự cho Moscow. Những thông tin tương tự như vậy, lãnh đạo hai nước có thể trực tiếp nói thẳng với nhau thông qua các cuộc đàm thoại thường xuyên.

“Giữa Nga và Trung Quốc có các mối quan hệ khá chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự. Những hiệp định hợp tác quốc phòng lâu dài, được ký kết giữa hai nước cho phép thảo luận về sự phát triển quan hệ hai bên cùng có lợi, chứ không phải là đối đầu, đáp trả bằng những động thái quân sự”, nhà khoa học chính trị nhận xét.

Ông Koshkin không loại trừ khả năng bài viết đăng tải trên báo Hoàn Cầu là một tín hiệu cứng rắn dành cho ông chủ mới của Nhà Trắng.

"Ông Trump tỏ ra rất cứng rắn, cả trong tiến trình cuộc bầu cử và sau khi được bầu làm tổng thống Mỹ, khi nói về vấn đề ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu cảnh báo đầu tiên với tổng thống Mỹ ".

Chính sách không thể thay đổi về vấn đề Đài Loan

Ngày 14.01.2017, tổng thống được bầu Donald Trump tuyên bố, Mỹ có thể thay đổi quan điểm ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”. Ông đã tuyên bố như vậy trong một bài phỏng vấn của tạp chí The Wall Street Journal. “Tất cả đều có thể trở thành đối tượng trong các chương trình nghị sự, bao gồm cả vấn đề “một Trung Quốc”, tổng thống Trump khẳng định.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức phản ứng trước tuyên bố của ông Trump, phát ngôn viên Lục Khảng tuyên bố:  "Chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho đất nước Trung Hoa. Đây là thực tế không tranh cãi, được công nhận bởi cộng đồng quốc tế và không ai có thể thay đổi ".

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, “chính sách một Trung Quốc là cơ sở căn bản cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính sách này không thể thay đổi”.

"Chúng tôi kêu gọi chính quyền Mỹ thừa nhận sự nhạy cảm của vấn đề Đài Loan, tuân thủ theo những cam kết, được ký kết bởi những chính quyền tiền nhiệm của cả hai nước, tuân thủ ba thông cáo chung Trung-Mỹ và hành động đúng đắn trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan để không gây ra những tác động tiêu cực đối với mối quan hệ lành mạnh và ổn định giữa hai quốc gia, cũng như sự phát triển những mối quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực quan trọng ", ông nói.

Như vây, việc Hoàn Cầu đăng tải thông tin về việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa DF – 41 có thể hiểu như một động thái nhằm cảnh báo Mỹ, trong khả năng gia tăng căng thẳng với chính quyền ông Donald Trump, Trung Quốc sẽ tìm kiếm một liên minh quân sự với Nga và sử dụng lá chắn phòng không Nga để triển khai lực lượng răn đe hạt nhân đối với Mỹ trong khu vực tỉnh Hắc Long Giang.

Bắc Kinh chưa đặt mục tiêu triển khai DF-41 như một động thái đối đầu với Moscow trong giai đoạn hiện nay, nhưng tên lửa liên lục địa của Trung Quốc có thể với tới mọi điểm trên toàn cầu, đó cũng là điều mà Moscow, dù không bình luận hoặc phủ nhận nhưng cũng là vấn đề phải xem xét. 

TTB