Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng/South China Morning Post ngày 1/6/2016 đã đăng tải một báo cáo hết sức đáng chú ý trong đó nói rằng Trung Quốc đã sẵn sàng ban bố và thiết lập cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông" (tất nhiên sẽ là tuyên bố phi pháp-PV) để ngăn chặn những hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực.
South China Morning Post dẫn nguồn tin thân cận trong quân đội Trung Quốc (PLA) cho hay, Bắc Kinh đã sẵn sàng làm điều (phi pháp) này để ngăn chặn sự hiện hiện của Mỹ cũng như quan hệ của Washington với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Nguồn tin này cho rằng Bắc Kinh có động cơ rõ ràng và cụ thể là ngăn chặn sự hiện của Mỹ bằng các tung ra một tuyên bố giống như những gì mà Trung Quốc đã áp dụng trên Biển Hoa Đông liên quan đến tranh chấp của nước này với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku.
South China Morning Post dẫn nguồn tin từ PLA cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông" và áp dụng ở vùng biển đang có nhiều tranh chấp sau đúng 2 năm kể từ khi đưa ra tuyên bố tương tự trên Biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác được South China Morning Post dẫn nhận định cho biết cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông" sẽ được Bắc Kinh công bố khi nào tùy thuộc và tình hình và điều kiện an ninh ở khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh quân đội, ngoại giao Mỹ đang hiện diện ngày càng rõ nét, nổi bật ở khu vực.
"Nếu Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động khiêu khích thách thức cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc ở khu vực. Chắc chắn sẽ là cơ hội tốt để Bắc Kinh tuyên bố (cái mà nước này đã toan tính kỹ, thực ra là đang chờ thời cơ -PV) "Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông" - nguồn tin từ PLA nói với South China Morning Post.
Báo cáo đáng chú ý được South China Morning Post đăng tải ngay trước thời điểm chuẩn bị diễn ra đối thoại an ninh thường niên Shangri-La ở Singapore nơi sẽ hội tụ rất nhiều quan chức quốc phòng, an ninh cấp cao của nhiều nước trong khu vực và cả các cường quốc thế giới.
Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La dự kiến sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. Vấn đề Biển Đông cũng sẽ là một trong những chủ đề chính sẽ được đưa ra bàn thảo trong chương trình nghị sự của đối thoại - dự kiến sẽ được khởi động vào thứ Sáu này.
Trong tuần tới, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc dự kiến cũng sẽ nhóm họp tham gia đối thoại chiến lược An ninh và Kinh tế song phương tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Trong một văn bản gửi đến báo South China Morning Post, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã "tuyên bố xanh rờn" rằng "Bắc Kinh có quyền áp dụng cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không trái phép ở Biển Đông".
Tuyên bố này ngang nghiên cho rằng: "Trung Quốc đang cân nhắc khi nào áp dụng ADIZ trên Biển Đông. Điều đó phụ thuộc vào liệu Trung Quốc có bị đe dọa từ trên không hay không cũng như cấp độ đe dọa đối với an toàn trên không ra sao".
South China Morning Post cho hay, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines liên quan đến vấn đề chủ quyền trên Biển Đông đã bùng phát thành cao trào kể từ khi Trung Quốc công khai tiến hành hàng loạt các dự án cải tạo đất đá, xây đảo nhân tạo trên khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Cuối cùng, xin được nói luôn rằng cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không trái phép ở Biển Đông" phi pháp mà Trung Quốc đang toan tính ở Biển Đông đã được dư luận trước đó bức xúc, quan tâm và theo dõi từ lâu. Đúng như báo chí Trung Quốc, các chuyên gia, học giả, nhà quan sát quốc tế, Việt Nam đã nói, Trung Quốc chỉ đang rình chờ cơ hội để công bố điều phi pháp này.
Đích cuối cùng của Trung Quốc là chiếm đoạt gần như tất cả vùng biển quan trọng của khu vực, tiến tới áp đặt ảnh hưởng của mình đối với toàn bộ phần còn lại của châu lục.
Liệu Trung Quốc có dám bất chấp quan ngại của dư luận, chà đạp lên luật pháp quốc tế chà đạp lên chủ quyền của các quốc gia có liên quan trong khu vực, chà đạp lên danh dự của các nước lớn khác trong thời gian ngắn sắp tới hay không cần có thời gian kiểm chứng.
Mục đích cuối cùng của Trung Quốc ai cũng hiểu nhưng công bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không hết sức nhạy cảm này vào lúc nào, lại là điều chính giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng chưa dám đưa ra quyết định cuối cùng.
Về mặt truyền thông báo chí, chúng ta cũng không lạ các chiêu trò từ hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh, được Bắc Kinh bỏ tiền ra hậu thuẫn. Động thái của báo chí mà Trung Quốc kiểm soát được đôi khi chỉ cố gắng thể hiện chiêu "rung cây dọa khỉ" vốn thường thấy qua rất nhiều sự kiện diễn ra trong khoảng vài năm trở lại đây - PV.