Trung Quốc tố cáo Philippines tìm cách xóa bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông khi mô tả đảo Ba Bình như là "đá", chứ không phải là "đảo".
Trong số các lập luận phản bác những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines cho rằng không một đảo nào trên quần đảo Trường Sa, kể cả đảo Ba Bình (thuộc chủ quyền của Việt Nam), có thể được xem như là một đảo có thể sống một cách lâu dài trên đó được, tức là vẫn chỉ là "đá". Điều này có nghĩa là không thể đòi quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh đảo này.
Ngày 3/6, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong một tuyên bố đăng trên trang web của bộ này, cho rằng «mưu toan của Philippines định nghĩa Thái Bình là "đá" chứng tỏ mục tiêu của vụ kiện là nhằm bác bỏ chủ quyền và các quyền có liên quan của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa». Hoa Xuân Oánh cho rằng đây là «một sự vi phạm luật pháp quốc tế và hoàn toàn không thể chấp nhận được».
Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng ngư dân Trung Quốc từ lâu vẫn sống trên đảo Ba Bình suốt năm, đánh cá, đào giếng, trồng trọt và xây nhà trên đó, chứng tỏ đây là một đảo có thể bảo đảm một cách lâu dài cuộc sống con người và hoạt động kinh tế.
Là đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan, hiện giờ đảo Ba Bình nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan, vốn bị Bắc Kinh vẫn xem là một tỉnh của Trung Quốc, sớm muộn gì cũng sẽ được thống nhất với đại lục, nếu cần có thể bằng vũ lực. Vào cuối năm ngoái, Đài Bắc đã nâng cấp hải cảng của đảo này, mà trên đó cũng đã có một đường băng, một bệnh viện và hệ thống cung cấp nước ngọt.
Căng thẳng trên Biển Đông là chủ đề bao trùm hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-la khai mạc ngày 3/6 vào lúc Tòa án Trọng tài Thường Trực sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc tranh chấp Biển Đông. Đến nay Trung Quốc vẫn không chấp nhận tham gia vụ kiện của Philippines và vẫn một mực chủ trương rằng các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên được giải quyết bằng thương lượng song phương.