Trung Quốc cấm biển để tập trận quy mô lớn trên Biển Đông

VietTimes -- Đúng vào hôm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tổ chức diễn tập quân sự lớn ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tự ý biến một vùng biển quốc tế rộng tới 22.200 km2 thành “vùng cấm” đối với máy bay, tàu thuyền, gây nên sự chú ý của dư luận.
Khu vực biển rộng 22.200 km2 trên Biển Đông bị Trung Quốc khoanh thành vùng cấm để tập trận
Khu vực biển rộng 22.200 km2 trên Biển Đông bị Trung Quốc khoanh thành vùng cấm để tập trận

Cụ thể, thông báo của cái gọi là “Cục hải sự Tam Sa” được đăng trên trang web chính thức của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết cuộc tập trận sẽ kéo dài từ ngày 29/6 đến ngày 3/7 tại khu vực được bao quanh bởi 4 địa điểm có tọa độ 13 độ 48 phút vĩ Bắc/114 độ 10 phút kinh Đông; 12 độ 48 phút vĩ Bắc/114 độ 10 phút kinh Đông; 12 độ 48 phút vĩ Bắc/116 độ 02 phút kinh Đông và 13 độ 48 phút vĩ Bắc/116 độ 02 phút kinh Đông; chiều rộng từ Đông sang Tây 202km, chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 110km. Thông báo có số hiệu “Quỳnh hàng cảnh 0075” này có nội dung “Tiến hành huấn luyện quân sự (military exercises) trên vùng biển Nam Hải (tức Biển Đông), cấm đi vào”.

Thông báo cấm biển để tập trận đăng trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc
Thông báo cấm biển để tập trận đăng trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc 

Khu vực cấm này nằm ở giữa Biển Đông, nằm giữa phía Bắc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và phía Nam quần đảo Trung Sa (nơi có bãi Scarborough hay Hoàng Nham theo cách gọi của Trung Quốc, Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp) có diện tích khoảng 22.200 km2, chỉ cách quần đảo Trường Sa khoảng 50 hải lý về phía bắc và cách bãi cạn Scarborough khoảng 120 hải lý về phía tây nam.

Trước đây Trung Quốc cũng từng lấy cớ huấn luyện quân sự để khoanh vùng những khu vực nhất định trên Biển Đông thành vùng biển cấm; nhưng hầu hết đều chỉ ở vùng biển gần tỉnh Quảng Đông hoặc đảo Hải Nam. Đây là lần đầu tiên họ khoanh một vùng biển quốc tế rộng lớn trên Biển Đông nằm cách lục địa Trung Quốc rất xa thành vùng cấm để tập trận, vì vậy đã gây nên sự quan tâm của quốc tế.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vừa rới khỏi Biển Đông
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vừa rới khỏi Biển Đông

 Tờ Minh Báo xuất bản ở Hồng Kông viết, đây là vùng biển cấm xa nhất  mà Trung Quốc tự ý thiết lập lần thứ hai kể từ năm 1980; khi đó họ tự ý lập ra một vùng biển cấm ở Nam Thái Bình Dương để thực hiện một vụ phóng thử tên lửa vượt đại châu.

Về nội dung cụ thể của cuộc tập trận này, truyền thông Trung Quốc dĩ nhiên giữ kín như bưng. Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng, các cư dân mạng Trung Quốc đã đưa ra các dự đoán. Có ý kiến cho rằng, đây là khu vực bồn trũng sâu nhất ở Biển Đông, vì vậy cuộc tập trận này có thể liên quan đến hoạt động của tàu ngầm; dự đoán có thể liên quan đến việc phóng thử tên lửa vượt đại châu Julang-3 (JL-3), nếu không phóng từ khu vực Tây Bắc Trung Quốc ra đây thì cũng là phóng từ đây về hướng Tây Bắc.

Tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ và JS Izumo của Nhật phối hợp tập trận trên Biển Đông
Tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ và JS Izumo của Nhật phối hợp tập trận trên Biển Đông

Cũng có ý kiến cho rằng, hồi đầu tháng 6, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa JL-3 ở vịnh Bột Hải, từng gây xôn xao dư luận vì “UFO xuất hiện ở Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi đó cũng đã gián tiếp xác nhận về vụ phóng thử tên lửa này, nên có lẽ không cần thiết phải phóng thử tiếp nữa; huống hồ hiện nay quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh Biển Đông đã được cải thiện, không cần thiết phải có “động tác lớn” như thế. Vì vậy, có lẽ đây là cuộc diễn tập biên đội lớn tàu Hải quân.

Bên cạnh đó, có ý học giả quốc tế cho rằng việc phong tỏa một khu vực biển rộng lớn như thế có thể cấu thành việc cản trở quyền tự do hàng hải.

Trang tin Đa Chiều ngày 1/7 cho rằng, cho dù với nội dung gì thì lần cấm biển trên Biển Đông này cũng có hai trọng điểm cần chú ý: Thứ nhất là về thời gian; thứ hai là địa điểm.

Về thời gian, hồi đầu tháng 6 chiếc tàu sân bay “Charles de Gaulle” của Pháp vừa tới thăm Singapore; các biên đội tàu sân bay “Ronald Reagan” của Mỹ và “JS Izumo” của Nhật cũng vừa vào Biển Đông; biên đội tàu sân bay “Liêu Ninh” của Trung Quốc cũng vừa rời khỏi Biển Đông. Với việc chỉ trong vòng một tháng, ngần ấy lực lượng đồ sộ lần lượt đổ tới Biển Đông, cho thấy mức độ quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông đang ngày càng dâng cao.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã tới thăm Singapore hồi đầu tháng 6
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã tới thăm Singapore hồi đầu tháng 6

Về mặt địa điểm mà xét, các cuộc diễn tập quy mô lớn trên Biển Đông của Hải quân Trung Quốc đang ngày càng dịch chuyển dần xuống phía Nam: năm ngoái là tập trận ở phía Nam đảo Hải Nam, đầu năm nay tập trận ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, lần này xuống phía Nam Trung Sa, bước tiếp theo có thể lùi xuống đến vùng biển Trường Sa.

Đa Chiều kết luận: xem ra cuộc đối đầu ở Biển Đông năm nay lại âm ỉ sóng ngầm.