Trung Quốc bị Pháp cô lập thêm về Biển Đông

The Diplomat tại Nhật Bản hôm 14/7 đăng bài phân tích của ông Yo-Jung Chen, nguyên là nhà ngoại giao Pháp gốc Đài Loan, đã không ngần ngại cho rằng quyết định dấn thân của Paris đã làm tăng thêm tình trạng cô lập của Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.
Tàu đổ bộ tấn công Mistral của hải quân Pháp thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam

Theo Đài quốc tế Pháp, khi nói đến Biển Đông, người ta thường chú ý đến các nước có liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Trung Quốc… hay các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ… Thế nhưng, thái độ càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc ngày càng khiến cho nhiều nước khác quan ngại, trong đó có Pháp.

Bất chấp nguy cơ có thể khiến Bắc Kinh phật ý, trong thời gian gần đây, Paris đã cho thấy rõ ý định dấn thân trở lại vào Biển Đông, thậm chí khuyến khích Liên hiệp châu Âu tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, mặc nhiên hậu thuẫn cho các nỗ lực của Mỹ.

Diplomat nhắc lại sáng kiến vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu lên hôm 5/6 vừa qua tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, theo đó Liên hiệp châu Âu cần tổ chức những chiến dịch tuần tra chung tại các vùng biển châu Á, và duy trì «một sự hiện diện thường xuyên và rõ rệt» tại khu vực này.

Để làm điều đó, nước Pháp sẵn sàng đứng ra phối hợp các lực lượng Hải quân của các thành viên Liên hiệp châu Âu để tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông.

Dĩ nhiên, Trung Quốc không được nêu đích danh trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp vì Trung Quốc không phải là nước duy nhất tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng sáng kiến của Pháp đã được xem là một tin xấu đối với Bắc Kinh, vốn đã rất bực tức trước những điều mà Trung Quốc coi là «hành vi can thiệp từ bên ngoài» của Mỹ và đồng minh vào tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ven Biển Đông.

Theo Diplomat, trên bình diện chiến lược kế hoạch của Pháp sẽ không có tác động quyết định nào đến tình hình Biển Đông. Lý do rất dễ hiểu, dù là một trong những cường quốc quân sự trên thế giới, sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực rất khiêm tốn, còn các nước Liên hiệp châu Âu khác thì hoàn toàn vắng bóng.

Dù vậy, sáng kiến của Pháp rất có khả năng có giá trị lớn hơn trên mặt bình diện ngoại giao, nêu bật một cách đáng kể thế cô lập gần như hoàn toàn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thể hiện qua nỗ lực vô vọng của Bắc Kinh trong việc hình thành một liên minh quốc tế nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, chống lại phán quyết ngày 12/7 vừa qua của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye.

Sáng kiến của Pháp, nếu được hưởng ứng, sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế của Trung Quốc vì lôi kéo được một khối nước nặng ký như Liên hiệp châu Âu vào việc gây thêm áp lực quốc tế buộc Bắc Kinh tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật, được thể hiện trong phán quyết của Tòa án Trọng tài La Haye.

Vấn đề đang được nhiều người đặt ra là tại sao Pháp và Liên hiệp châu Âu, vốn có lợi ích thương mại quan trọng với Trung Quốc, lại dám dấn thân vào Biển Đông, dù biết rõ rằng điều đó sẽ làm Bắc Kinh phật ý?

Diplomat lý giải, nguyên do chính yếu đến từ thái độ của Bắc Kinh. Pháp và Liên hiệp châu Âu đang càng lúc càng quan ngại rằng các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ tác hại nghiêm trọng trên vấn đề quản trị toàn cầu và tôn trọng pháp luật quốc tế, với những hệ quả vượt quá khu vực Đông Nam Á.

Trong bài phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La, ông Le Drian không nói gì hơn khi cho rằng nếu các quy tắc của pháp luật và quyền tự do hàng hải không được tôn trọng ngay bây giờ và ngay ở Biển Đông, ngày mai các quy tắc đó sẽ bị tổn hại ở những nơi khác trên thế giới, kể cả bên trong và xung quanh châu Âu.

Báo Myanmar Times ngày 19/7 cho biết, phá vỡ sự im lặng truyền thống trong vấn đề Biển Đông, Myanmar trong tuyên bố đầu tiên ngày 13/7 liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng Tài quốc tế mà phần thắng nghiêng về Philippines, đã kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong tuyên bố đề ngày 13/7 về phán quyết của tòa án La Haye, Myanmar đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động đe dọa hay sử dụng vũ lực. Mặc dù Trung Quốc bác bỏ bản án, Myanmar khẳng định vẫn luôn gắn bó với nguyên tắc tôn trọng luật pháp, kể cả trong quan hệ đối ngoại.

Thông cáo viết: «Myanmar sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, dựa trên nguyên tắc đồng thuận, về Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử (COC)».

Mặc dù Myanmar không phải là nước có yêu sách chủ quyền về Biển Đông, nhưng khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014, đã tỏ ra cứng rắn hơn các chủ tịch tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Trong hội nghị các bộ trưởng ngoại giao năm 2014, khối ASEAN đã ra thông cáo bày tỏ "quan ngại sâu sắc» về sự căng thẳng cao độ của tranh chấp.