Trung Quốc bất ngờ phóng thử tên lửa “sát thủ tàu sân bay” ra vùng biển phía bắc Hoàng Sa

VietTimes – Vào lúc cuộc cạnh tranh về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên, trang web chuyên theo dõi về quân sự Trung Quốc ngày 26/8 cho biết, sáng cùng ngày Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông, một chiếc máy bay trinh sát điện tử RC-135S của Mỹ đã bay vào Biển Đông để thu thập tình báo.
Sáng 26/8, quân đội Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm từ Thanh Hải và Chiết Giang tới khu vực biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, trang web East Pendulum của Pháp chuyên theo dõi về phát triển quân sự của Trung Quốc đã đăng bài trên Twitter cho biết, sáng 26/8, Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông từ hai căn cứ khác nhau. Một nguồn tin khác cho biết hai loại tên lửa được phóng chắc chắn là loại DF-21D “Sát thủ tàu sân bay” và DF-26, được phóng từ Ninh Ba, Chiết Giang và Đại Sài Đán, Thanh Hải. Trước đó, vào tuần trước, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam đã ra thông báo cảnh báo hàng hải mang tên “Quỳnh hàng cảnh 0078” cho biết có diễn tập quân sự ở vùng biển Đông Nam đảo Hải Nam từ ngày 24 đến 29/8, cấm tàu thuyền,máy bay đi vào khu vực này. Được biết đây chính là phạm vi bị ảnh hưởng do vụ phóng tên lửa lần này.

Các tên lửa được phóng từ các căn cứ trong nội địa Trung Quốc ra vùng biển phía bắc Hoàng Sa (Ảnh: East Pendulum ).

Bên cạnh đó, Trung tâm tư vấn mang tên “Chương trình nhận thức tình thế chiến lược Nam Hải” (SCSPI) thuộc Viện nghiên cứu hải dương, Đại học Bắc Kinh sáng 26/8 đưa tin, một chiếc máy bay trinh sát điện tử chiến lược RC-135S Cobra Ball cất cánh từ căn cứ Kadena ở Okinawa vượt qua eo biển Bashi bay vào Biển Đông lúc 8 giờ sáng, sau đó bay về phía Tây Nam. Giới quan sát cho rằng chiếc máy bay này quan sát và thu thập tình báo điện tử về mục tiêu của vụ phóng. Tờ Sohu của Trung Quốc cho biết, chiếc máy bay xuất hiện đúng lúc PLA “đang tiến hành hoạt động huấn luyện quân sự ở vùng biển đông nam đảo Hải Nam”, khu vực trước đó hôm 21/8, Cục Hải sự Hải Nam đã ra cảnh báo về hoạt động huấn luyện quân sự này.

Đường bay của máy bay trinh sát điện tử RC-135S Mỹ sáng 26/8 (Ảnh: SCSPI).

Cũng theo Đông Phương, một máy bay trinh sát Lombardi Chalenger 650 của Lục quân Mỹ ngày 25/8 đã bay qua eo biển Bashi vào gần bờ biển Quảng Đông và Phúc Kiến, xuất hiện ở Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Sau đó PLA đã cho máy bay báo động sớm KJ-500 bay lượn ở vùng biển ngoài khơi Phúc Kiến và dọc theo phía Tây đường trung tâm eo biển Đài Loan. Một chiếc máy bay phản lực Astra thám trắc khí tượng của Công ty Hàng không Hán Tường, Đài Loan cũng xuất hiện bay từ phía Tây Nam Vùng nhận diện phòng không ADIZ đến vùng biển phía ngoài Cao Hùng. Một máy bay trinh sát cao không U-2 của Mỹ cùng ngày cũng đã xâm nhập vùng cấm bay để diễn tập của Chiến khu Miền Bắc PLA. Một người sử dụng internet đã chia sẻ bức ảnh vệ tinh chụp được hình ảnh tàu chiến của PLA phóng tên lửa trên biển Hoàng Hải.

Hôm thứ Ba, 25/8, Cục Hải sự Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô đã ra cảnh báo hàng hải nói từ 25 đến 27/8, hàng ngày từ 8 giờ đến 18 giờ, PLA sẽ tiến hành bắn đạn thật ở phía Nam Hoàng Hải, cấm tàu thuyền ra vào khu vực đã xác định. Cục Hải sự Chiết Giang ngày 26/8 cũng ra cảnh báo hàng hải cho biết  từ 8 giờ ngày 27 đến 18 giờ ngày 30/8 sẽ tiến hành bắn đạn thật ở biển Hoa Đông, cấm tàu thuyền ra vào khu vực được xác định.

Máy bay trinh sát điện tử chiến lược RC-135S của Mỹ (Ảnh: Sohu).

Trước hoạt động trinh sát của các máy bay Mỹ, trang Sohu Trung Quốc ngày 26/8 cho biết, một chuyên gia giấu tên nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, máy bay trinh sát của Không quân Mỹ đã phớt lờ sự tồn tại của các vùng cấm bay do quân đội Trung Quốc hoạch định và công bố, hành động liều lĩnh, đã bộc lộ hoàn toàn âm mưu thâm độc của quân đội Mỹ là cố tình khiêu khích Trung Quốc. Theo người này, quân đội các nước trên thế giới, trong đó có quân đội Mỹ, khi tổ chức các cuộc tập trận đều phải hoạch định và công bố vùng cấm bay, nhằm tránh những sự cố nguy hiểm, đó là cách làm thông lệ và hợp tình hợp lý. Tất cả các loại phương tiện bay của bên thứ ba đều phải bay thận trọng để đề phòng sự cố ngoài ý muốn như phán đoán sai và bắn nhầm do xâm nhập vào vùng cấm bay, dẫn đến thảm kịch hàng không.