Triều Tiên khơi dậy nỗi đau hạt nhân của Nhật Bản, khép lại cánh cửa ngoại giao

VietTimes -- Triều Tiên mới đây đưa ra một tuyên bố bỡn cợt lời chỉ trích mà phía Nhật Bản đưa ra nhằm vào các vụ thử tên lửa và rocket của Bình Nhưỡng, trong đó khơi dậy nỗi đau về chiến tranh hạt nhân trong quá khứ của Nhật Bản và chỉ trích lãnh đạo của nước này.
Tuyên bố của Triều Tiên được xem như thất bại của ông Abe trong nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng (Ảnh: Newsweek)
Tuyên bố của Triều Tiên được xem như thất bại của ông Abe trong nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng (Ảnh: Newsweek)

Trong tuyên bố mà hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa ra trong hôm thứ Năm, Đại sứ Triều Tiên Song Il Ho đã phản ứng trước bình luận mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đưa ra hồi tuần trước về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Trước đó, ông Abe mô tả các vụ thử nghiệm này là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

“Ông Abe, Thủ tướng Nhật Bản, là một kẻ ngốc và độc ác, ông ta đang làm ầm lên như thể một trái bom hạt nhân sắp rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản vậy” – ông Song nói.

Ông Song sau đó còn mô tả ông Abe như “một người thiếu hiểu biết, luôn mơ mộng biến nước Nhật thành một siêu cường quân sự thế nhưng lại không phân biệt nổi các hệ thống phóng rocket và tên lửa”. Vị đại sứ của Triều Tiên còn sử dụng nhiều ngôn từ cực mạnh, đôi lúc xúc phạm tới ông Abe; cùng lúc tuyên bố rằng Nhật Bản được xem là “một quốc gia nhỏ bé xét về mặt chính trị”, một “quốc đảo đang chìm”, một nước “ảm đạm, bị cô lập” bởi đã bị loại khỏi kỷ nguyên mới trong ngoại giao với Triều Tiên.

Lịch sử của Triều Tiên và Nhật Bản đương nhiên vượt xa chính trị hiện đại của khu vực Đông Bắc Á, nhưng thế kỷ 20 lại chứng kiến sự thay đổi định hình mối quan hệ của họ ngày nay. Việc Nhật Bản từng chiếm đóng bán đảo Triều Tiên đến nay vẫn hằn sâu trong tâm trí người dân Hàn Quốc, trong khi chiến thắng của phe Đồng minh trong Thế chiến II khiến bán đảo này bị chia tách làm hai bên đối lập.

Để đánh bại Nhật Bản, Mỹ đã thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới nhằm vào hai thành phố là Hiroshima và Nagasaki, khiến 250.000 người thiệt mạng.

Ngày nay, dù Tokyo và Seoul là 2 đồng minh của Washington ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng mối quan hệ của họ thường xuyên trở nên căng thẳng do những xung đột bắt nguồn từ quá khứ. Trong bối cảnh đó, Bình Nhưỡng cũng thường xuyên chỉ trích Nhật Bản – nước từng đô hộ bán đảo Triều Tiên.

Trong lúc mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gia tăng các hoạt động ngoại giao, từng gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin… để thảo luận về giải giáp hạt nhân, thì ông Abe bị phớt lờ.

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Abe đã có động thái bất ngờ khi tuyên bố rằng ông sẵn lòng gặp gỡ ông Kim mà “không cần điều kiện” để giải quyết một số trường hợp công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc, tuy nhiên gần như không đạt được gì.

“Chúng ta cần phải nghỉ về động lực của Triều Tiên trong việc khởi động và mở cánh cửa đàm phán với Nhật Bản” – một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật mới đây nhận định – “Đây là lần đầu tiên mà một lãnh đạo Triều Tiên đối thoại trực tiếp với Tổng thống Mỹ, họ sẽ không vội vàng tham gia đàm phán với Nhật”.

Hiện nay, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử nghiệm các vũ khí mới, phóng tên lửa ra vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản nhằm phản ứng trước thực tế là các vòng đàm phán hạt nhân đang trì trệ và các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.

Trước các vụ thử như vậy, chỉ có Tokyo là dám lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng mạnh nhất, trong khi Seoul lựa chọn im lặng và Washington thì tỏ ra nhân nhượng.

Theo Newsweek