|
Các đại diện tham gia đàm phán 6 bên bắt tay. |
MỐI ĐE DỌA TIỀM TÀNG?
Đô đốc Hải quân Mỹ William Gortney, Tư lệnh Bộ Tư lệnh phương Bắc và Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ, hồi tháng 4/2015 thông báo theo đánh giá chính thức của Mỹ thì Triều Tiên có khả năng gắn một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ vào một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Cụ thể ở đây là tên lửa KN-08 (No-dong-C/Hwaseong-13) có tầm bắn khoảng 9.000 km, tức hoàn toàn có thể vươn tới khu vực bờ Tây nước Mỹ. Đây là diễn biến gây quan ngại và hết sức đáng chú ý, bởi nó đồng nghĩa với việc Triều Tiên có thể thực sự sở hữu khả năng đặt nước Mỹ vào tầm ngắm của một vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó cũng trong tháng 4 vừa qua, các chuyên gia hạt nhân hàng đầu Trung Quốc cảnh báo Triều Tiên có thể đang sở hữu 20 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn đáng kể so với dự đoán mà Mỹ đưa ra trước đó là từ 10-16 vũ khí hạt nhân. Hơn nữa đến năm 2016, Triều Tiên sẽ đạt được khả năng làm giàu uranium cấp độ vũ khí để tăng gấp đôi số lượng vũ khí hạt nhân hiện nay. Ước tính như trên phản ánh một thực tế là Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thế nhưng, bất chấp những điều này, Washington vẫn chưa dành cho hồ sơ hạt nhân Triều Tiên một sự quan tâm đúng mức, ít nhất về mặt ngoại giao, như những gì họ đã thể hiện trong vấn đề Iran.
Diễn đàn đàm phán quan trọng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên lâu nay vẫn là cơ chế đàm phán sáu bên (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản) nhằm tìm cách giải quyết hòa bình những mối quan ngại về an ninh xuất phát từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, tiến trình này đã bị ngưng trệ từ năm 2009. Thành quả mới đây nhất của những nỗ lực ngoại giao là “thỏa thuận ngày nhuận” đạt được ngày 29/2/2012. Bản thỏa thuận bao gồm các điều khoản như Bình Nhưỡng cam kết dừng hoạt động thử nghiệm hạt nhân và phát triển tên lửa, cho phép đoàn thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào nước này. Đổi lại, Mỹ cam kết sẽ viện trợ về kinh tế cho Bình Nhưỡng. Mặc dù vậy, thỏa thuận đã bị đổ vỡ ngay khi Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa, vi phạm cam kết của mình.
Kể từ đó, Mỹ luôn đặt điều kiện cho việc tái khởi động đàm phán là Triều Tiên phải thực hiện những bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa trước khi các bên có thể cùng nhau ngồi lại vào bàn thương lượng. Hơn nữa trọng tâm đàm phán sẽ chỉ có thể xoay quanh mục tiêu thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chứ không phải là hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, như nhiều người đã chỉ ra, chính cách tiếp cận mang tính “kiên nhẫn chiến lược” này lại là một nhân tố tạo sức ỳ.
Có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ không nên tái can dự ngoại giao với Triều Tiên. Tuy nhiên, hầu hết những lý lẽ này đều không thể đứng vững khi được đưa ra phân tích mổ xẻ kỹ lưỡng. Dưới đây là một số lập luận và lý do tại sao chúng không thuyết phục:
Thứ nhất, đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa chương trình này. Nhiều người phản đối việc tái khởi động tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên lo ngại rằng bất cứ nỗ lực can dự ngoại giao nào tập trung vào mục tiêu hạn chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, chứ không phải thuyết phục họ từ bỏ hoàn toàn tham vọng, sẽ chẳng khác nào hợp pháp hóa việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là một quan niệm sai lầm.
Bởi, chúng ta không cần phải công nhận một chương trình là hợp pháp để đàm phán về việc hạn chế nó. Về logic, việc khoanh tay đứng nhìn và cho phép một chương trình tiếp tục diễn ra dường như sẽ là sự ngầm công nhận chương trình đó chứ không hàm ý sẽ nỗ lực để hạn chế và ngăn ngừa nó trở thành mối hiểm họa lớn hơn.
Trên thực tế, Mỹ có nhiều cách để có thể đánh tiếng với cộng đồng quốc tế rằng nước này coi một chương trình vũ khí hạt nhân là hợp pháp, đó là ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự hay ủng hộ nỗ lực của một quốc gia muốn gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (nhóm này nhằm mục đích giảm thiểu sự phổ biến vũ khí hạt nhân bằng việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu và tái chuyển giao những vật liệu có thể phục vụ mục đích phát triển vũ khí hạt nhân và thông qua việc cung cấp đảm bảo cho những vật liệu hiện có). Tuy nhiên, đàm phán để hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của một nước lại không phải là một trong số những giải pháp đó.
Đón đọc kỳ cuối: Hãy thôi là "kẻ bề trên"
Huy Lê theo Báo Tin Tức