Triệt thoái vốn ở Vĩnh Sơn, Viettel rời cuộc chơi bất động sản ở Mê Linh

VietTimes – Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa đăng ký bán đấu giá cả lô toàn bộ hơn 4,58 triệu cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Vĩnh Sơn (Vĩnh Sơn).
Trụ sở của tập đoàn Viettel (Ảnh: CTD)
Trụ sở của tập đoàn Viettel (Ảnh: CTD)

Theo đó, giá khởi điểm cả lô là hơn 922,48 tỷ đồng, tương đương với mức giá hơn 201.042 đồng cho mỗi cổ phần. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 23/7/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Các nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ đăng ký năng lực từ ngày 22/6 - 8/7/2020.

Thành lập từ tháng 9/2003, khoảng nửa năm sau, Vĩnh Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho đầu tư dự án Khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội).

Ở giai đoạn đầu, dự án có diện tích 74.000 m2 tại khu Đồng Chóp Vạn, thôn Do Thượng, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tới ngày 23/7/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có Quyết định số 2637/QĐ-UBND mở rộng phạm vi dự án với tổng diện tích 646.649 m2 (đã bao gồm 74.000 m2 của giai đoạn 1).

Cập nhật tới cuối năm 2019, Vĩnh Sơn đã ghi nhận hơn 1.126,2 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang đối với dự án này, chiếm tới 93,5% quy mô tổng tài sản. Hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Danh mục các dự án của Vĩnh Sơn có thể còn dài thêm. Bởi lẽ, công ty còn được Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) “gửi” hơn 198,5 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 138/2013/HTĐT/MB-VS ký ngày 22/8/2013 về việc đầu tư phát triển công trình kiến trúc, hạ tầng cho MBBank tại dự án Khu chức năng đô thị tại xã Tiền Phong, thị trấn Quang Minh, huyên Mê Linh và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2019, hai bên đã chấm dứt hợp đồng và Vĩnh Sơn đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận nêu trên cho MBBank.

Vĩnh Sơn còn nhận được khoản vay với dư nợ tính đến ngày 31/12/2019 là hơn 33,38 tỷ đồng với các cá nhân từ những năm trước theo hợp đồng vay tài sản. Theo đó, các khoản vay có thời hạn 24 tháng, cùng với lãi suất “siêu rẻ” chỉ 2%/năm, mục đích nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh.

Do đang trong quá trình phát triển các dự án, kết quả kinh doanh của Vĩnh Sơn không thực sự nổi bật, thậm chí thua lỗ. Tính đến cuối năm ngoái, Vĩnh Sơn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 115,4 triệu đồng.

Trở lại với thương vụ thoái vốn của Viettel, toàn bộ số cổ phần mà tổng công ty này muốn bán chỉ chiếm khoảng 39,9% vốn điều lệ của Vĩnh Sơn.

Trong khi đó, 60% vốn của doanh nghiệp này do CTCP Bất động sản Dragon Village nắm giữ./.