Triết lý giáo dục cho nền giáo dục thế kỉ XXI

VietTimes -- "Nền giáo dục hiện đại của lịch sử hiện đại được định hướng và thực thi theo triết lý hiện đại. Lịch sử hiện đại có thể chủ động vươn lên ngang tầm triết học hiện đại – chủ động tạo ra nền giáo dục theo triết lý hợp tác." - GS Hồ Ngọc Đại.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Giáo dục dành cho ai?

Giáo dục dành cho Thế hệ trẻ (nhờ vậy, thế hệ già có cơ hội ăn theo).

Thế hệ trẻ hiện đại thế kỉ XXI là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử hiện thực (các thế hệ trước đây chỉ “lặp lại” nhau).

Nền giáo dục cho Thế hệ trẻ hiện đại cần xử lý đồng thời cả hai mặt của một thực thể chưa hề có: Lịch sử / Triết học.

Lịch sử hiểu là một xã hội đang tồn tại và đang vận động.

Triết học dùng để xử lý các quan hệ có thực trong giáo dục của xã hội đương thời.

*

*       *

Trong giáo dục, về lịch sử, tôi tính từ khi Thầy Khổng Tử mở trường tư dạy học.

Lịch sử thời đó là xã hội tiểu nông của Phạm trù đẳng cấp.

Thầy Khổng Tử dùng triết lý phục tùng.

Cả nước phục tùng một ông Vua.

Cả nhà phục tùng một người cha.

Học trò phục tùng Thầy.

Vợ phục tùng chồng.

Tiếp theo về lịch sử, xã hội công nghiệp tồn tại và vận động theo Phạm trù giai cấp.

Marx đưa ra triết lý đấu tranh.

Xã hội hiện đại thế kỉ XXI tồn tại, vận động và phát triển theo Phạm trù cá nhân.

Xã hội hiện đại liên kết các cá nhân trong từng đơn vị, từ địa phương đến toàn thế giới. Các cá nhân hiện đại, không phân biệt giới tính, nơi sinh sống, liên kết với nhau theo cơ chế phân công – hợp tác.

Sống trong hoàn cảnh lịch sử chưa hề có ấy, tôi nhận ra triết lý của thời đại mình: Triết lý hợp tác.

Từ triết lý phục tùng, lịch sử nhảy sang triết lý đấu tranh: Triết học làm một bước (phép) phủ định.

Từ triết lý đấu tranh sang triết lý hợp tác, lịch sử làm bước phủ định tiếp theo: phủ định của phủ định.

Sự phủ định triết học chỉ làm một việc đẩy phạm trù triết học cũ vào quá khứ, đóng vai trò “hạng nhì”, chứ không phải bị thủ tiêu (phủ định sạch trơn).

*

*       *

Triết lý cho nền giáo dục hiện đại

Nền giáo dục hiện đại của lịch sử hiện đại được định hướng và thực thi theo triết lý hiện đại.

Lịch sử hiện đại có thể chủ động vươn lên ngang tầm triết học hiện đại – chủ động tạo ra nền giáo dục theo triết lý hợp tác.

Về nghiệp vụ sư phạm, triết lý phục tùng triển khai trên thực tiễn giáo dục theo công thức:

Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ

Với triết lý hợp tác, thực tiễn giáo dục sẽ vận hành theo một cơ chế (công thức) chưa hề có (đẩy công thức cũ xuống vị trí “hạng nhì”):

Thầy thiết kế - Trò thi công

Người thầy từng bước phân hóa (cụ thể hóa) trong lịch sử giáo dục:

Ở điểm xuất phát, Thầy chỉ một (một Khổng Tử) – một thể đồng nhất trừu tượng, tự mình làm lấy mọi việc.

Nay, lịch sử ở trình độ phát triển hiện đại, theo triết lý hợp tác thì một thầy trừu tượng ban đầu đã phân hóa (cụ thể hóa) thành ba:

- Thầy thiết kế

- Thầy chuyển giao

- Thầy thi công

Cả ba đều la người lao động sản xuất bộ phận, cùng nhau vì một cá nhân hiện đại: mỗi cá nhân hiện đại tự sinh ra chính mình, trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình, một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh.