Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi: Giành giật sự sống từ tay "tử thần"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những ngày qua, hiện tượng nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đã khiến dư luận phải dậy sóng. Có bé bị mẹ bỏ rơi ở thùng rác, ở hố ga,… thậm chí còn có bé buộc phải rời khỏi bụng mẹ ở 1 cơ sở nạo, phá thai khi chỉ mới tròn 31 tuần tuổi. Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình điều trị cho những em bé đặc biệt này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với BS. Thái Bằng Giang – Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
BS. Giang chăm sóc bé sơ sinh (Ảnh: Minh Thúy)
BS. Giang chăm sóc bé sơ sinh (Ảnh: Minh Thúy)

PV: Thời gian qua, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị bỏ rơi, trong đó có bé bị bỏ lại giữa khe tường, thai thi chưa đầy 31 tuần tuổi bị phá bỏ ở 1 cơ sở nạo thai,… Khi đón những em bé “đặc biệt” này, ông có suy nghĩ như thế nào?

BS. Thái Bằng Giang: Tất cả những trường hợp trẻ bị bỏ rơi khi đến Bệnh viện thì sự chuẩn bị của Khoa gần như bằng 0.

Theo nguyên tắc, tất cả những bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đều được liên hệ trước. Lúc đó, Khoa sẽ có sự chuẩn bị trước để đón em bé. Tuy nhiên, phần lớn các bé sơ sinh bị bỏ rơi đều vào viện trong tình trạng nặng, không được liên hệ trước nên việc điều trị đều gặp nhiều khó khăn vì các bé phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng khi ở môi trường bên ngoài, không có tiền sử sinh đẻ. Tiền sử sinh đẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó là yếu tố để các bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe của bé. Vì thế, việc tiếp nhận và điều trị cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi gặp nhiều khó khăn.

Thông thường, trẻ sơ sinh có 2 nhóm bệnh lý nguy hiểm gồm: nhóm bệnh lý về suy hô hấp và nhóm bệnh lý về nhiễm khuẩn. Tất cả những trẻ bỏ rơi được điều trị tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đều phải đối mặt với 2 nhóm bệnh lý này. Sau khi bị bỏ rơi, có bé còn không được cắt rốn, trong môi trường có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. Không chỉ vậy, khi được sinh ra bé phải được làm vệ sinh về đường hô hấp (hút dịch mũi họng, làm thông thoáng đường thở. Tuy nhiên, hầu hết trẻ bị bỏ rơi đều không được quan tâm về vấn đề này nên thường rơi vào tình trạng suy hô hấp và nhiễm khuẩn.

Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Ảnh: Minh Thúy)
Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Ảnh: Minh Thúy) 

PV: Có ý kiến thắc mắc cho rằng với những trường hợp bệnh nhi mắc bệnh nặng, Bệnh viện có thể chuyển các bé sang Bệnh viện chuyên Khoa Nhi để điều trị một cách tốt nhất nhưng lại chưa có trường hợp nào được chuyển đi. Quan điểm của ông về ý kiến này?

BS. Thái Bằng Giang: Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từng chuyển bệnh nhi mắc bệnh nặng sang Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị khi vượt quá khả năng điều trị, cần có can thiệp đặc biệt, được hội chẩn chặt chẽ giữa Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khi chuyển bệnh nhân, các bác sĩ phải đánh giá kỹ tình trạng của bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân được chuyển đi phải có sự liên hệ trước, được chuẩn bị chu đáo. Thực tế, có những trường hợp bệnh nhi mắc bệnh nặng, không thể chuyển đi được vì mạch, huyết áp, hô hấp của bé không đảm bảo, có nguy cơ tử vong cao.

Về trường hợp bệnh nhi Nguyễn Văn An bị bỏ rơi ở hố ga vào viện trong tình trạng nặng, đã tử vong, BS. Giang chia sẻ: Trong quá trình điều trị tại Khoa, bé không rời máy thở. Các bác sĩ đã sử dụng những thiết bị hiện đại nhất tại Khoa Sơ sinh để cứu sống bé, đồng thời, hội chẩn với bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

BS. Giang thăm khám sức khỏe bé sơ sinh tại Bệnh viện (Ảnh: Minh Thúy)
BS. Giang thăm khám sức khỏe bé sơ sinh tại Bệnh viện (Ảnh: Minh Thúy) 

PV: Chỉ trong 1 thời gian ngắn mà liên tục phải đón những em bé bị bỏ rơi vào viện trong tình trạng bệnh nặng, ông có cảm thấy áp lực không?

BS. Thái Bằng Giang: Những em bé bị bỏ rơi đều có hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Vì thế, từ điều dưỡng đến các bác sĩ tại Khoa đều rất quan tâm, yêu thương các bé. Khi vào viện, các bé đều mắc bệnh nặng, không có người nhà, không được cảm nhận tình yêu thương từ gia đình, đặc biệt là từ người mẹ.

Khi đón những bé bị bỏ rơi, bản thân tôi không cảm thấy áp lực vì tất cả các bé ở Khoa Sơ sinh đều được quan tâm như nhau. Về mặt chuyên môn, bệnh nhi nào cũng đều được chăm sóc, điều trị một cách tốt nhất, không phân biệt đối xử.

Từ trước tới nay Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đều tiếp nhận những bé sơ sinh bị bỏ rơi. Từ đầu năm đến nay Khoa đã tiếp nhận tổng cộng 5 bé sơ sinh bị bỏ rơi gồm: bé An bị bỏ rơi ở hố ga; bé bị bỏ rơi khi mới 31 tuần tuổi ở cơ sở nạo, phá thai; bé sơ sinh bị bỏ rơi trong khe tường; 1 bé ở Yên Bái và 1 bé sau khi điều trị tại Bệnh viện đã được đón về Trung tâm bảo trợ xã hội.

PV: Trong tương lai có thể sẽ xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhi vào viện để cấp cứu vì bị bỏ rơi, phá bỏ,… các bác sĩ tại Khoa Sơ sinh nói riêng và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã có sự chuẩn bị như thế nào?

BS. Thái Bằng Giang: Hiện, quy trình tiếp nhận bệnh nhi của Khoa Sơ sinh đã hoàn thiện. Khi tiếp nhận trường hợp bệnh nhi bị bỏ rơi, Khoa sẽ mời lãnh đạo bệnh viện, phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng Công tác xã hội cùng đại diện của địa phương và chính quyền đến để làm các thủ tục cần thiết.

Khi tiếp nhận những bé sơ sinh bị bỏ rơi, các bác sĩ tại Khoa đều sẵn sàng điều trị và chăm sóc, giúp các bé chiến thắng tử thần.

+ Cảm ơn ông!