Tranh Đông Hồ thời @ gây xôn xao

Trên Facebook đã có không ít những tranh luận về dự án làm mới một dòng tranh Đông Hồ truyền thống, với ý tưởng từ cuộc sống thời đại Internet, smartphone, và thời... U23.

Trong dịp Tết năm nay nếu ghé qua các cửa hàng Highlands người ta có thể thấy khá bất ngờ với những bức tranh Đông Hồ truyền thống được làm mới với cuộc sống thời đại Internet và smartphone, và được cập nhật cả câu chuyện thần kỳ của U23 Việt Nam. Đây là kết quả của dự án "Đương đại hóa tranh Đông Hồ cùng Highlands Coffee".

Tranh khắc gỗ Đông Hồ là một dòng tranh dân gian lâu đời của Việt Nam thể hiện sự gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của người xưa. Và đặc biệt vào mỗi dịp Tết, những bức tranh Đông Hồ Chúc Tụng mang màu sắc tươi sáng thường được trang trí trong mỗi gia đình làm không khí ngày xuân thêm phần rực rỡ, ấm cúng.

Xuất phát từ đó Highlands Coffee đã liên hệ với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một trong 2 nghệ nhân Đông Hồ duy nhất còn lại của Việt Nam, và kết nối với nhiều họa sĩ trẻ để làm mới những mẫu tranh Đông Hồ đã rất đỗi quen thuộc với các thế hệ người Việt từ xưa đến nay với mong muốn truyền thống văn hóa nghệ thuật của đất nước được giữ gìn và phát triển.

Lần lượt các bức tranh Đông Hồ đương đại này sẽ được trưng bày ở nhiều quán Highlands trên toàn quốc, trước hết là các Highlands ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để tiếp cận giới trẻ. Bên cạnh đó, Highlands Coffee sẽ tổ chức chương trình bán bộ tranh này được sản xuất hoàn toàn theo đúng quy trình, nguyên liệu của tranh Đông Hồ truyền thống do chính gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sản xuất.

Tranh có giá bán là 120.000 đồng một bức và doanh thu bán tranh sẽ được trích ra nhằm hỗ trợ cho việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân gian Tranh Đông Hồ.

Để tìm hiểu kỹ hơn về ý tưởng tranh Đông Hồ đương đại này, chúng ta có thể đọc trên fanpage của Highlands Coffee. Dưới đây sẽ là trích ý tưởng một vài bức tranh thú vị.

Ý tưởng tranh Đông Hồ của Highlands Coffee

Tranh Đông Hồ thời @ gây xôn xao - Ảnh 1

Lấy cảm hứng từ mẫu tranh "Cậu bé ôm gà" nổi tiếng, bức tranh trên vẫn giữ nguyên những nét đẹp ý nghĩa truyền thống của nguyên tác là hình ảnh chú gà trống, cậu bé trai bụ bẫm với màu sắc đặc trưng của tranh Đông Hồ, đồng thời bản đương đại trở nên đặc sắc hơn khi kết hợp hình ảnh chụp ảnh selfie của giới trẻ ngày nay.

Tranh Đông Hồ thời @ gây xôn xao - Ảnh 2

Bức tranh trên được đương đại hóa từ tác phẩm "Bà Nguyệt se duyên", khi nhân vật bà Nguyệt trong phong tục văn hóa Việt Nam được xem là vị thần tình yêu, là người kết nối các đôi trai gái trở thành vợ chồng bằng việc se chỉ se duyên, thể hiện mong muốn hạnh phúc tình duyên thuận lợi vào mùa xuân. Ngày nay, hành động "thả thính, thả tim, thả like" của các bạn trẻ được kết nối thông qua bà Nguyệt là... mạng xã hội thể hiện mong muốn hạnh phúc tìm được người tình trăm năm, nên duyên vợ chồng, gắn kết nhau trọn đời.

Tranh Đông Hồ thời @ gây xôn xao - Ảnh 3

Là kết quả đương đại hóa từ bức tranh Đấu Vật, bức tranh trên thể hiện hình ảnh các bạn trẻ vạm vỡ, tráng kiện đang tham gia các hoạt động thể dục thể thao phong phú như tập Gym, Yoga, Đấu vật, Bóng đá,...

Tranh Đông Hồ thời @ gây xôn xao - Ảnh 4

Bức tranh trên được sáng tạo đầy cảm hứng dựa trên tranh "Tam Dương Khai Thái" thể hiện một mùa xuân của lễ hội, đâm chồi nãy lộc tràn đầy hạnh phúc đồng thời được đương đại hóa với hình ảnh hai chú gà thời trang thực hiện điệu nhảy lấy cảm hứng từ bộ phim La La Land.

Tranh Đông Hồ thời @ gây xôn xao - Ảnh 5

Hình ảnh đẹp nhất của trận chung kết giải vô địch bóng đá U23 Châu Á vừa qua, hình ảnh lịch sử của nền bóng đá Việt Nam, của niềm tự hào dân tộc, đã được chung tay vẽ lại với mong muốn tôn vinh những người anh hùng của làng bóng đá nước nhà; qua đó đề cao, ca ngợi sự kiên cường, đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Phản ứng từ cư dân mạng về bộ tranh Đông Hồ thời @

Ngay sau khi bộ tranh Đông Hồ đương đại của Highlands Coffee xuất hiện trên Facebook thì khá nhiều thành viên cư dân mạng tỏ ra hào hứng, và quán Highlands trở thành điểm hẹn thú vị trong những ngày Tết để mọi người rủ nhau đến xem tranh. Nhưng tất nhiên bên cạnh đó là không ít những tranh luận về ý tưởng làm mới một dòng tranh truyền thống.

Về ý kiến không đồng tình, thành viên Trương Thanh Vân bình luận: "Mình thấy cứ lố lăng sao á. Đã là truyền thống thì nên giữ nó trọn vẹn có được không???" Trong khi đó thành viên Trần Nhật Dạ nhận xét: "Nói thật nhé, nhìn chả khác mấy so với học sinh vẽ đè vào sách giáo khoa".

Nhưng nhìn chung cũng có nhiều ủng hộ dành cho sáng tạo này. Thành viên Trần Kiều Trang chia sẻ: "Nên tôn trọng thế hệ mới, ý kiến mới vì họ cũng đang là một nhà kiến tạo văn hóa. Những nét nhìn vui tươi phản ánh một cuộc sống gần gũi ngay hiện tại chứ không phải những ý nghĩa đã xa xôi và gần như khó đến gần với quần chúng".

Tương tự thành viên Nguyễn Duy Quốc Trang viết: "Đông hồ phản ánh dân gian, nên cũng phải thay đổi theo nhịp sống dân gian. Good, mình nghĩ ý tưởng rất tuyệt vời, cần hiện đại tranh truyền thống".

Một ý kiến dường như tổng quan hơn của thành viên Tinh Vu thì viết: "Làm mới đề tài trong tranh dân gian là rất tốt, cá nhân tôi rất đồng tình quan điểm nên làm mới đề tài trong tranh dân gian và thực tế trong lịch sử các dòng tranh dân gian Việt Nam nói chung và Đông Hồ nói riêng cũng đã hơn một lần tự chuyển mình thay đổi sao cho phù hợp với thời cuộc. Chỉ có điều muốn làm mới một dòng tranh thì cần phải hiểu, nhất là tranh Đông Hồ một thể loại đã định hình về phong cách, đặc biệt là ngôn ngữ tạo hình. Muốn làm phải làm có khoa học, chứ không phải làm bừa, và hễ in nên giấy Điệp, dùng màu tự nhiên là được gọi là tranh Đông Hồ".

Theo ICT News

http://ictnews.vn/internet/xa-hoi/tranh-dong-ho-thoi-gay-xon-xao-164486.ict