Trận đánh khét tiếng trong Thế chiến II được Israel viện dẫn cho việc xóa sổ Hải quân Syria

Khi Israel đánh chìm 6 tàu chiến Syria tại cảng Latakia tuần trước, cùng lúc với các cuộc tấn công lớn hơn vào tàn dư quân sự của chính quyền Assad bị lật đổ, nhà lãnh đạo Israel đã viện dẫn một tiền lệ từ Thế chiến II.
Thủ tướng Israel biện minh cho cuộc tấn công Hải quân Syria và các lực lượng còn lại của quân đội chế độ Assad bằng cách viện dẫn một trận đánh trong Thế chiến II. Ảnh: AFP.

"Điều này tương tự như những gì Không quân Anh đã làm khi ném bom hạm đội của chế độ Vichy, vốn đang hợp tác với Đức Quốc xã, để nó không rơi vào tay Đức Quốc xã", Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết.

Mặc dù lịch sử mà ông Netanyahu đưa ra có chi tiết sai sót – chính Hải quân Hoàng gia chứ không phải Không quân Hoàng gia Anh đã tấn công hạm đội Pháp – nhưng thông tin đưa ra cũng đáng quan tâm. Cuộc tấn công vào cảng Mers-el-Kebir vào ngày 3/7/1940, đã đi vào lịch sử như một quyết định dũng cảm đã cứu nước Anh – hoặc là một sự phản bội và đâm sau lưng đồng minh một cách không cần thiết.

Ít nhất, đây là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Anh trong Thế chiến II. Giống như Israel ngày nay, người Anh đã hành động trong giữa lúc khủng hoảng, vội vã và bất ổn. Mục tiêu của Israel là giữ kho vũ khí khổng lồ của chính phủ Syria hiện đã bị lật đổ – bao gồm vũ khí hóa học và tên lửa đạn đạo – khỏi rơi vào tay các nhóm phiến quân. Đối với Anh trước kia, mục tiêu là giữ cho Adolf Hitler không động đến hạm đội Pháp, lực lượng hải quân lớn thứ 4 thế giới vào năm 1940.

Vào mùa Hè hỗn loạn năm 1940, tình hình có vẻ rất nghiêm trọng. Chiến dịch Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng) của Đức vừa mới chinh phục Pháp và Tây Âu, trong khi phần lớn quân đội Anh hầu như chưa được sơ tán – trừ trang bị – khỏi Dunkirk. Nếu quân Đức có thể tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ qua eo biển Manche, Quân đội Anh không có đủ điều kiện để đẩy lùi kẻ địch.

Ngược lại, Chiến dịch Sư tử biển – kế hoạch xâm lược Anh của Đức Quốc xã – cũng có những vấn đề riêng. Kriegsmarine (Hải quân Đức) có quy mô chỉ bằng một phần nhỏ của Hải quân Hoàng gia Anh, và do đó không đủ sức hộ tống các tàu vận tải quân sự dễ bị tổn thương. Nhưng Thủ tướng Anh Winston Churchill phải tính đến một tình huống mà ông không hề muốn xảy ra: một hạm đội chiến đấu kết hợp Đức-Pháp.

Về mặt kỹ thuật, Pháp chỉ đồng ý đình chiến – lệnh ngừng bắn vĩnh viễn – với Đức chứ không phải đầu hàng. Nước Pháp sẽ bị chia cắt thành khu vực phía bắc do Đức chiếm đóng và một đất nước Vichy độc lập trên danh nghĩa bao gồm miền nam nước Pháp và các thuộc địa của Đế quốc Pháp. Chính quyền Vichy Pháp sẽ được phép duy trì một đội quân ít ỏi, và Hải quân Pháp sẽ bị giới hạn ở các cảng nhà của mình.

Người Anh không tin lời hứa của Pháp rằng tàu của họ sẽ bị đánh chìm nếu người Đức cố chiếm giữ chúng. Tại sao Pháp lại ký một hiệp ước hòa bình riêng với Đức trong khi trước đó đã cam kết không làm như vậy? Tại sao chính phủ Pháp không chọn cách lưu vong và tiếp tục chiến tranh từ các thuộc địa Bắc Phi như người Anh thúc giục? London biết rõ rằng chính phủ Vichy cánh hữu – dưới quyền Thống chế Philippe Pétain, vị anh hùng của Thế chiến I – có nhiều tình cảm với Đức Quốc xã hơn là với Anh. Khi Đức làm chủ châu Âu, Pétain chế nhạo rằng Anh sẽ sớm "bị vặn cổ như một con gà".

Hải quân Hoàng gia Anh tấn công tàu chiến Pháp tại Mers-el-Kebir ở Algeria thuộc Pháp vào ngày 3/7/1940. Ảnh: Getty.

Sau khi Vichy bác bỏ lời kêu gọi gửi hạm đội đến các cảng của Anh,Thủ tướng Churchill và các bộ trưởng của ông quyết định rằng rủi ro là quá lớn. Vào cuối tháng 6/1940, Hải quân Hoàng gia nhận được lệnh tiến hành Chiến dịch Catapult. Một lực lượng đặc nhiệm – bao gồm tàu ​​sân bay Ark Royal và 3 thiết giáp hạm và tàu tuần dương hạng nặng – được điều động đến căn cứ hải quân Pháp tại Mers-el-Kebir, gần cảng Oran của Algeria. Một hạm đội Pháp hùng mạnh gồm 4 thiết giáp hạm và 6 tàu khu trục neo đậu tại đó, bao gồm cả các thiết giáp hạm mới là Dunkerque và Strasbourg.

Người Pháp được cho 6 giờ để trả lời tối hậu thư: đưa tàu của họ đến các cảng của Anh và chiến đấu với quân Đức, đưa tàu đến các cảng của Pháp ở vùng Caribe và ngồi ngoài cuộc chiến, phi quân sự hóa tàu của họ tại Mers-el-Kebir hoặc các tàu của họ sẽ bị đánh chìm. Khi chỉ huy người Pháp ở địa phương cố gắng trì hoãn trong khi triệu tập quân tiếp viện, phía Anh đã nổ súng.

Trận chiến sau đó cũng không mấy vẻ vang cho Hải quân Hoàng gia. Phía Pháp chỉ đơn giản là bị hỏa lực của Anh làm ngạt thở. Thiết giáp hạm Bretagne và 2 tàu khu trục bị đánh chìm, 2 thiết giáp hạm khác bị hư hại và 1.297 thủy thủ Pháp thiệt mạng. Phía Anh chỉ chịu tổn thất là 2 người tử trận.

Hầu hết các tàu ở Mers-el-Kebir đều bị hư hại chứ không chìm, và hạm đội Pháp nhanh chóng di dời các tàu của mình đến cảng được phòng thủ kiên cố hơn ở Toulon (nơi chúng bị đánh chìm vào tháng 11/1942 khi quân Đức chiếm đóng Vichy). Mặc dù Vichy không tuyên chiến với Anh – và chỉ trả đũa bằng một vài cuộc tấn công nhỏ vào các căn cứ của Anh – nhưng điều này đã xác nhận những định kiến ​​cũ của người Pháp về sự phản bội của Anh.

Cuộc tấn công của Anh vào cảng Mers-el-Kebir mang ý nghĩa cả về chính trị lẫn quân sự. Vào mùa Hè năm 1940, nhiều người – bao gồm cả một số người ở Mỹ – tin rằng Anh sẽ bị chinh phục hoặc buộc phải ký kết hòa bình với Đức. Thủ tướng Churchill lập luận rằng Anh phải thể hiện quyết tâm tiếp tục chiến đấu, nhất là nếu họ hy vọng thuyết phục Mỹ gửi xe tăng, tàu và vật liệu chiến tranh. Việc tấn công một đồng minh cũ có thể là một minh chứng cho quyết tâm của Anh.

Tình hình của Israel ngày nay không giống với tình hình của Anh vào năm 1940. Syria chưa bao giờ là đồng minh của Israel. Hai quốc gia đã có lệnh ngừng bắn kể từ năm 1949, được đánh dấu bằng nhiều cuộc chiến tranh và xung đột trong nhiều năm. Anh hành động vì cảm giác lo sợ, trong khi Israel đủ tự tin vào sức mạnh của mình để tấn công các mục tiêu ở Syria.

Tuy nhiên, bằng cách trích dẫn trận Mers-el-Kebir làm tiền lệ, ông Netanyahu đã chứng minh một quy tắc vàng trong quan hệ quốc tế được áp dụng vào năm 1940 và vẫn áp dụng cho đến ngày nay: Các quốc gia luôn hành động vì lợi ích của riêng mình.

Đứng trước sự lựa chọn giữa việc tôn trọng một đồng minh cũ và bảo vệ nước Anh khỏi cuộc xâm lược, Thủ tướng Churchill đã chọn phương án sau. Ông Netanyahu cũng không ngần ngại làm như vậy.

Theo Business Insider