Trả lại dáng đi cho nữ sinh mặc cảm vì tập tễnh suốt 4 năm

VietTimes -- Sau ca phẫu thuật điều trị cơn đau ở vùng khung chậu 4 năm trước, nữ sinh Đỗ Thị Kim C. (sinh năm 2003, quê Hưng Yên) đã phải chịu nỗi mặc cảm vì dáng đi tập tễnh - di chứng để lại sau ca mổ. May mắn, cách đây 1 tuần, C. đã được các thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chẩn đoán đúng bệnh và phẫu thuật thành công, khôi phục lại dáng đi bình thường cho em.
Sau lần phẫu thuật cách đây 4 năm, nữ sinh Đỗ Thị Kim C. phải chịu đôi chân lệch nhau 2 cm, dáng đi tập tễnh khiến em tự ti.
Sau lần phẫu thuật cách đây 4 năm, nữ sinh Đỗ Thị Kim C. phải chịu đôi chân lệch nhau 2 cm, dáng đi tập tễnh khiến em tự ti.

2 lần chạy chữa, nhận về mặc cảm

Đỗ Thị Kim C. là con thứ trong một gia đình có hai chị em ở Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên. Bố mất sớm, chị gái đi học xa nhà, chỉ có 2 mẹ con C. chăm sóc cho nhau. Năm 12 tuổi, C. đột ngột bị đau âm ỉ vùng háng, khó vận động, nhưng không rõ nguyên nhân.

Thương mẹ vất vả, C. nén chịu đau, cố gắng vừa đi học vừa giúp đỡ việc nhà. Song, cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều, đến mức không thể hoàn thành bài thể dục trên lớp. Nhưng, C. không đi khám bệnh mà chỉ uống thuốc giảm đau tại nhà.

Cho đến khi những cơn đau kéo dài, khiến C. không thể chịu đựng được, mẹ đã quyết định đưa em ra Hà Nội để khám. Cả hai lần đi khám, C. và mẹ đều không biết em bị bệnh gì. Lần thứ nhất, C. được chỉ định bó bột trong 1 tháng nhưng không có hiệu quả. Bác sĩ giới thiệu C. tới khám tại một cơ sở y tế khác.

Lần thứ hai đi khám, C. được chỉ định phẫu thuật nạo vét vùng khung chậu bên phải. Lần này, việc điều trị có hiệu quả, các cơn đau giảm đi nhiều, C. có thể hoạt động bình thường. Song, em phải chịu đôi chân “lệch”, khiến tư thế đi lại không tự nhiên.

Trong suốt 4 năm sau ca phẫu thuật đó, C. thường xuyên mặc cảm về dáng đi của mình. Rồi, tháng 10/2019 em đột ngột bị đau trở lại, các cơn đau xuất hiện nhiều và liên tục, mức độ đau ngày càng dữ dội khiến C. không thể đi lại được.

Sau 4 năm mới được chữa khỏi bệnh

Mãi tới lần thứ 3 phẫu thuật, bệnh của C. mới được chữa khỏi, đồng thời, khắc phục dáng đi khác thường của em.
Mãi tới lần thứ 3 phẫu thuật, bệnh của C. mới được chữa khỏi, đồng thời, khắc phục dáng đi khác thường của em.

Trước tình trạng bệnh nghiêm trọng của C, mẹ C. vội vàng đưa em tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để khám. May mắn, em được PGS.TS. Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực cơ xương khớp trực tiếp khám. 

PGS.TS. Trần Trung Dũng kể lại: Khi nhập viện, C. bị đau dữ dội khiến em C. không thể đi lại được, do ổ cối, chỏm xương đùi bên phải đã biến dạng hoàn toàn. Ngay lập tức nữ sinh này được thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Các bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng phải thứ phát, do viêm khớp háng cũ bỏ sót 4 năm nay. Căn bệnh này khiến cho C. có nguy cơ bị tàn tật suốt đời dù tuổi đời còn nhỏ.

“Điều này thật khó tưởng tượng và khó chấp nhận đối với bệnh nhân - một cô gái còn rất trẻ, tương lai còn dài phía trước. Điều đáng tiếc nhất là bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu can thiệp sớm và đúng cách” – PGS.TS. Trần Trung Dũng chia sẻ.

Để điều trị cho C., các bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng phương án phẫu thuật thay khớp háng.

“Nếu thay khớp háng nhân tạo, em C. mới có hy vọng trở lại với sinh hoạt bình thường. Còn nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ buộc phải tháo khớp, trở thành cô gái tàn tật vĩnh viễn ngay khi còn ở tuổi vị thành niên” – bác sĩ Đào Nguyên Chính – công tác tại Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng của Bệnh viện chia sẻ.

Thương nữ sinh còn nhỏ, phải chịu đựng mặc cảm và đối diện với nguy cơ tàn tật, các bác sĩ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn rất kỹ lưỡng và đưa ra quyết định phẫu thuật cho em. Với năng lực, trình độ và kinh nghiệm của các bác sĩ ở một Bệnh viện ngoại khoa có tiếng như Xanh Pôn, chỉ sau 1 tiếng, ca mổ đã thành công tốt đẹp.

Nhờ đó, hiên nay em C. không còn bị đau nữa và khớp háng đã có thể vận động hoàn toàn bình thường, không còn bị chênh lệch chiều dài giữa 2 chân, nên em không còn nỗi mặc cảm vì dáng đi tập tễnh nữa. 

“Em C. đã may mắn khi được chẩn đoán đúng và không quá muộn, không để lại di chứng và tàn tật sau ca bệnh” - bác sĩ Đào Nguyên Chính nói.