|
CTCP Du lịch Bưu Điện đang sở hữu hệ thống khách sạn tại vị trí đắc địa tại nhiều thành phố biển từ Bắc vào Nam. (Ảnh: Internet) |
Đã có tổng cộng 10 nhà đầu tư – gồm 3 tổ chức và 7 cá nhân – tham gia đấu giá 8.796.987 cổ phần DLBĐ mà VNPost nắm giữ. Số cổ phần này tương đương với 90,22 % vốn điều lệ - cũng là toàn bộ vốn góp của VNPost.
Diễn biến phiên đấu giá cho thấy, số lượng đặt mua thực tế đã cao hơn rất nhiều khối lượng chào bán. Cụ thể, tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 42.549.561 cổ phần – gấp gần 5 lần số lượng cổ phần đưa ra đấu giá, với 9 phiếu tham dự đấu giá hợp lệ.
Khối lượng đặt mua thấp nhất là 1.890.000 cổ phần; Còn khối lượng đặt mua cao nhất là 8.796.987 cổ phần – cũng là toàn bộ số cổ phần DLBĐ mà VNPost đưa ra đấu giá.
Giá đặt mua cao nhất là 41.500 đồng/cổ phần, giá đặt mua thấp nhất là 18.500 đồng/cổ phần (ngang giá khởi điểm). Giá đấu thành công duy nhất cũng chính là giá đặt mua cao nhất: 41.500 đồng/cổ phần – gấp 2,24 lần giá khởi điểm.
Kết quả, chỉ có 01 nhà đầu tư duy nhất trúng đấu giá và đó là một nhà đầu tư tổ chức.
Bằng việc bỏ ra 365.074.960.500 đồng để sở trọn bộ 8.796.987 cổ phần đem ra đấu giá, đơn vị này sẽ thay thế VNPost sở hữu 90,22% vốn điều lệ DLBĐ – một tỷ lệ đủ để đảm bảo quyền lực gần như tuyệt đối tại công ty.
Hiện chưa rõ danh tính nhà đầu tư trên. Nhưng với 365 tỷ đồng quyết chi cho thương vụ đây ắt phải là một doanh nghiệp tầm cỡ.
Theo thông báo của HNX, nhà đầu tư trúng đấu giá phải thực hiện nộp tiền mua cổ phần từ ngày 29/09/2017 đến 16 giờ ngày 07/10/2017.
Bỏ giá tới 41.500 đồng cho mỗi cổ phần mệnh giá 10.000 đồng và giá khởi điểm 18.500 đồng, chủ sở hữu tương lai hẳn phải rất “mê” Công ty Cổ phần Du lịch Bưu điện.
DLBĐ có gì để họ “mê” đến vậy?
Nhiều tiền…
Báo cáo tài chính cho thấy, Công ty Cổ phần Du lịch Bưu điện là một doanh nghiệp có quy mô vừa phải, với chất lượng tài sản tốt.
Tính đến 31/12/2016, trong tổng tài sản đạt 111,5 tỷ đồng của công ty thì đã có tới 98,1 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Tổng nợ phải trả chỉ là 13,4 tỷ đồng, và trong đó vay nợ tài chỉnh chỉ có 826 triệu đồng. Lưu ý, 826 triệu đồng này không phải vay ngân hàng mà là vay ngắn hạn của 4 cá nhân (bà Nguyễn Thị Phương Hoa, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, bà Hoàng Thị Phương Thảo, ông Đỗ Văn Hương). DLBĐ thuyết minh, các khoản vay ngắn hạn các cá nhân để bổ sung vốn kinh doanh; Các khoản vay này không có tài sản đảm khảo và không tính lãi.
Ấn tượng hơn nữa, chốt tại cuối năm 2016, DLBĐ đang có 54,5 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại cá ngân hàng. Chưa kể 5,9 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Nói cách khác, quá nửa tài sản của DLBĐ là “tiền tươi thóc thật”.
Cả năm 2016, DLBĐ báo lãi 3,2 tỷ đồng (EPS đạt 327 đồng). Nhưng thực tế, năm này, công ty có thể đã gần như không có lãi, nếu trích lập dự phòng đầy đủ.
“Tại ngày kết thúc năm tài chính, các khoản nợ phải thu khó đòi đã quá hạn trên 3 năm là 10,8 tỷ đồng (đã làm tròn - NV). Công ty đã trích lập dựng phòng cho khoản phải thu khó đòi là 7,6 tỷ đồng. Nếu công ty trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định hiện hành thì chi phí hoạt động trong năm sẽ tăng 3,1 tỷ đồng, chỉ tiêu dựng phòng nợ phải thu khó đòi và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 sẽ giảm tương ứng”, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu ý kiến ngoại trừ khi kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2016 của DLBĐ.
10,8 tỷ đồng nợ xấu của DLBĐ tập trung thành 3 khoản: Phải thu tiền bán hàng (1,8 tỷ đồng); Trả trước tiền mua hàng (0,5 tỷ đồng); Các khoản phải thu khác (8,4 tỷ đồng). Tất cả các khoản nợ xấu này đều đã quá hạn trên 3 năm.
Trước đó, năm 2015, DLBĐ công bố một kết quả lợi nhuận hết sức ấn tượng: 46,6 tỷ đồng (EPS đạt 4.782 tỷ đồng).
Đóng góp chủ yếu của kết quả lợi nhuận này đến từ thu nhập khác. Cụ thể là lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định – lên tới 58,8 tỷ đồng. Chưa rõ, khoản thu này liên quan đến việc bán tài sản hay công trình nào.
Vì DLBĐ không công bố nên không có cơ sở để đánh giá về kết quả kinh doanh các năm trước đó nữa của DLBĐ. Nhưng hẳn cũng khôn ấn tượng, bởi lẽ, tính đến cuối năm 2015, công ty vẫn đang lỗ lũy kế 2,6 tỷ đồng.
Bản công bố thông tin phục vụ cho việc đấu giá cho hay: Theo kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp tại ngày 31/3/2017 do Công ty TNHH Thẩm định và Tư vấn Việt ban hành ngày 3/7/2017, tổng giá trị tài sản của CTCP Du lịch Bưu điện được đánh giá lại là 194,7 tỷ đồng, nợ phải trả đánh giá lại là 14,7 tỷ đồng, giá trị doanh nghiệp đánh giá lại là 180 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn Công ty đang nắm giữ là 66 tỷ đồng.
“Như vậy, ngay sau khi nhà đầu tư hoàn tất mua thủ tục để mua cổ phiếu CTCP DLBĐ, nhà đầu tư sẽ được đồng sở hữu tài sản có tính thanh khoản cao (tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn công ty đang nắm giữ gần 70 tỷ đồng)”, chính VNPost đã nhận xét.
Nhưng nhắc lại rằng, trong phiên đấu giá sáng nay (28/9), một nhà đầu tư đã bỏ ra tới hơn 365 tỷ đồng chỉ để thay VNPost sở hữu 90,22% cổ phần DLBĐ.
Hẳn họ không đầu tư một số tiền lớn đến vậy để sở hữu 90,22% một doanh nghiệp có giá trị - theo thẩm định – là 180 tỷ đồng. Kể cả rằng doanh nghiệp ấy sở hữu tài sản có tính thanh khoản cao là gần 70 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm.
Nhưng bất động sản mới là cái đáng “mê”!
DLBĐ được thành lập ngày 30/08/2001, do Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam chi phối phần lớn vốn, với sứ mệnh chính: “Công ty được thành lập để khai thác, sử dụng vốn và tài sản hiện có là hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam” – theo như lời giới thiệu của VNPost.
Cũng theo lời giới thiệu này, DLBĐ có lợi thế sở hữu hệ thống khách sạn nằm ở các vị trí đắc địa thuộc các trung tâm du lịch trải dài từ Bắc vào Nam.
Cụ thể là 4 khách sạn: Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu, Khách sạn Bưu điện Hạ Long, Khách sạn Bưu điện Sầm Sơn, Khách sạn Bưu Điện Cửa Lò.
Đáng nói là tại cả 4 khách sạn này, công ty đều không trực tiếp khai thác, mà chỉ đem cho thuê để thu tiền.
Trong đó, khách sạn Bưu điện Vũng Tàu (số 158 Hạ Long, phường 2, Tp. Vũng Tàu) do CTCP Du lịch Dầu khí Thái Bình Dương thuê với giá 3,65 tỷ đồng/năm; Khách sạn Bưu điện Hạ Long (ngã ba Vườn Đào, Khu II, Bãi Cháy, Hạ Long) do Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Thương mại Sơn Anh thuê với giá 1,7 tỷ đồng/năm; Khách sạn Bưu điện Sầm Sơn (phường Trường Sơn, TX. Sầm Sơn, Thanh Hóa) do bà Cao Thị Thu thuê với gián 280 triệu đồng/năm; Khách sạn Bưu điện Cửa Lò (Số 1, đường Bình Minh, TX. Cửa Lò, Nghệ An) do ông Nguyễn Sỹ Nghĩa thuê với giá 90 triệu đồng/năm.
Khu đất của các khách sạn Bưu Điện – bên cạnh việc chiếm hữu vị trí đắc địa tại các trung tâm du lịch – thì còn đều có diện tích rất phù hợp để cải tạo hoặc phát triển thành các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng, lưu trú quy mô hiện đại.
Có thể kể đến như khu đất của khách sạn Bưu điện Vũng Tàu có diện tích 2.931 m2, tọa lạc sát bãi Tầm Dương, ngay trung tâm thành phố biển Vũng Tàu. Dựa vào sườn núi Tao Phùng, từ khách sạn này có thể nhìn bao quát toàn cảnh Vịnh Tầm Dương (Bãi trước). Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu hiện thời có gần 80 phòng nghỉ, một nhà hàng phục vụ 400 khách và hai phòng hội thảo sức chứa 500 và 250 ghế.
Trong khi, khách sạn Bưu điện Hạ Long cao 9 tầng, với 111 phòng và nhà hàng phục vụ đồng thời 600 khách. Khu đất khách sạn có diện tích 2.158,5 m2, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Quyền sử dụng đất số 1022/QSDĐ, theo loại hình thuê đất trả tiền hàng năm.
Còn khu đất Khách sạn Bưu điện Cửa Lò có diện tích 2.410 m2, khu đất khách sạn Bưu điện Sầm Sơn có diện tích 1.595 m2.
Tất nhiên, các khách sạn và các bất động sản trên hẳn là một điểm hút rất lớn đối những ai quan tâm đến câu chuyện đấu giá cổ phần CTCP Du lịch Bưu Điện.
Và với việc đã quyết chi 365 tỷ đồng, nhà đầu tư bí ẩn vừa trúng đấu giá cũng sẽ tham vọng rất nhiều vào các khách sạn mà DLBĐ đang quản lý sử dụng./.