TP.HCM tiêm mũi 3 vaccine COVID-19, linh hoạt việc hoàn thành thời gian cách ly

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca F0 trên địa bàn có xu hướng tăng trở lại, TP.HCM đẩy mạnh tiêm bổ sung vaccine mũi 3 cho đối tượng có nguy cơ và linh hoạt việc hoàn thành cách ly. 
Quận 3 tiêm vaccine COVID-19 cho người già yếu, đi lại khó khăn. Ảnh: HCDC
Quận 3 tiêm vaccine COVID-19 cho người già yếu, đi lại khó khăn. Ảnh: HCDC

Đẩy mạnh tiêm mũi 3, linh hoạt việc hoàn thành thời gian cách ly

Báo cáo tại buổi họp cuối tuần của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM giao ban trực tuyến với các sở-ngành, quận huyện, TP Thủ Đức, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 10-12, TPHCM đã tiêm được gần 15 triệu liều vaccine Covid-19 (trong đó 7,9 triệu mũi 1 và 6,8 triệu mũi 2).
Bắt đầu từ sáng 10-12, thành phố đã triển khai kế hoạch tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho nhóm đối tượng ưu tiên và người suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca F0 trên địa bàn có xu hướng tăng trở lại, hiện thành phố đang quản lý và điều trị cho 83.247 F0 tại các cơ sở y tế 3 tầng. Điều đáng lo ngại, theo lãnh đạo ngành y tế, số ca thở máy xâm lấn và số ca tử vong vẫn còn tăng, đến 10-12, TPHCM còn 477 ca thở máy xâm lấn và 72 ca tử vong. Điểm chung ở nhóm đối tượng này chủ yếu tập trung ở người trên 60 tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine.

Trước thực trạng này, Sở Y tế đã triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ với 6 nhóm hoạt động chính, hướng dẫn các quận huyện, TP Thủ Đức làm cập nhật ngay danh sách người dân, hộ gia đình thuộc nhóm người có nguy cơ để giám sát.

“UBND quận huyện, TP Thủ Đức cần tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt “chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, ưu tiên sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir) cho người thuộc nhóm nguy cơ. Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt việc cấp giấy hoàn thành thời gian cách ly khi người cách ly có kết quả âm tính. Không cứng nhắc chờ 14 ngày để xét nghiệm, nếu F0 khỏe, đã tiêm 1-2 liều vaccine, có xét nghiệm âm tính thì có thể hoàn thành thời gian cách ly”, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu.

Khẳng định thông tin vẫn còn xuất hiện nhiều trường hợp rao bán thuốc Molnupiravir, thậm chí có cả một số nhân viên y tế, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho rằng, đây là thuốc chưa được phép lưu hành. Việc mua bán trên thị trường đều bất hợp pháp. Sở Y tế mong muốn Công an thành phố hỗ trợ Sở Y tế điều tra và xử lý nghiêm tình trạng mua bán thuốc Molnupiravir trên mạng.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM báo cáo tại buổi họp. Ảnh: Việt Dũng
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM báo cáo tại buổi họp. Ảnh: Việt Dũng

Quản lý, chăm sóc F0

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân nắm kỹ về công tác phòng chống dịch Covid-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch UBND TP, cần tránh hai thái cực chủ quan lơ là và hoang mang sợ hãi. Chúng ta không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch và cũng không hoang mang trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Trọng tâm tuyên truyền giúp người dân thực hiện 5K, trong đó có vaccine và đặc biệt là nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi người. Qua đó, hình thành ý thức và thói quen mới để bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cộng đồng.

Cùng với tuyên truyền, Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở, ngành, TP Thủ Đức, quận huyện và phường xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn phòng chống dịch, chấn chỉnh các hoạt động ở các cơ sở. Quan điểm là TPHCM tạo điều kiện để các dịch vụ như dịch vụ ăn uống tại chỗ mở cửa trở lại, nhưng phải đảm bảo an toàn, phải kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh và nếu vẫn vi phạm thì phải xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo phải thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý, tổ chức chăm sóc F0; đảm bảo đưa thuốc điều trị Covid-19 đến F0 một cách sớm nhất có thể và tuyên truyền, hướng dẫn F0 sử dụng, tránh tình trạng có thuốc không dùng lại bán ra bên ngoài.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng lưu ý rút ngắn thời gian điều trị đối với F0. Nếu F0 đã tiêm 2 mũi, đã xét nghiệm 2 lần âm tính, thì có thể sau 5-7 ngày là thực hiện thủ tục kết thúc theo dõi điều trị. Đồng thời, cần tập trung triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm có nguy cơ một cách đồng bộ, kỹ lưỡng ở các địa bàn.

Trong đó, Sở TT-TT TPHCM và Sở Y tế TPHCM cần phối hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng dữ liệu những người có nguy cơ để phục vụ phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Tiếp đó, cần tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine, có thể tiêm mũi nhắc lại đối với trường hợp có nguy cơ trong thời gian từ 4-5 tháng chứ không đợi đến 6 tháng, tiêm mũi bổ sung sau 28 ngày.

Sở Y tế cần nắm chắc nhu cầu về vaccine để xây dựng kế hoạch tiêm chủng và đề nghị Bộ Y tế cấp đủ vaccine.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Linh Nhi
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Linh Nhi

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Thành Đoàn TPHCM sẵn sàng có lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia trong quá trình rà soát người có nguy cơ tại cơ sở, quá trình nhập liệu cơ sở dữ liệu và thực hiện một số công việc như chăm sóc, tư vấn, phục vụ người có nhu cầu tiêm vaccine.

Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo tiếp tục giám sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, giám sát sự xuất hiện biến thể mới Omicron. “Diễn biến dịch ở từng địa bàn xã phường, thị trấn phải được theo dõi kỹ, đánh giá đúng cấp độ dịch để từ đó điều chỉnh các hoạt động cho an toàn như tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ”, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, phải thực hiện nhất quán Nghị quyết 128, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch và đi liền là phục hồi kinh tế. Các địa bàn có cấp độ dịch mức 3, mức 4 thì càng phải tập trung các biện pháp, có chuyển động kịp thời phù hợp tình hình.

Chăm sóc trẻ em để cha mẹ yên tâm đi làm

Đối với dạy và học trực tiếp, TPHCM sẽ thí điểm cho lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học từ đầu tuần tới. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thủ Đức, quận huyện chỉ đạo ban giám hiệu các trường phải rà soát lại kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp, rà soát lại công tác chuẩn bị thật cụ thể, chi tiết và đảm bảo thực hiện sao cho an toàn nhất có thể.

Cần rà soát các phương án, kịch bản để xử lý các tình huống. Trong thời gian 2 tuần thí điểm, các trường học phải có tư thế chuẩn bị cho các khối lớp còn lại trở lại trường học.

“TP Thủ Đức và các quận huyện cần tập trung chuẩn bị để mở lại các lớp nhà trẻ, mầm non, vì đây là nhu cầu rất lớn của người dân. Trẻ em cần phải được đến trường trở lại, cần phải có nơi chăm sóc an toàn để cha mẹ có thể yên tâm đi làm”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh và yêu cầu đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, chuẩn bị cho việc dạy học trực tiếp ngay khi điều kiện cho phép.

Đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý, tiếp tục mở cửa theo bộ tiêu chí an toàn, có chuẩn bị kỹ và thúc đẩy hơn các hoạt động trong những tháng cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Đặc biệt, cần chuẩn bị sớm mở lại các chợ truyền thống phục vụ nhu cầu của người dân vào dịp cuối năm.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu TP Thủ Đức, các quận huyện nhanh chóng chuẩn bị và triển khai kế hoạch chăm lo tết cho người dân; tiếp tục củng cố và phát huy vai trò Trung tâm An sinh TPHCM; giúp người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 một cách thuận lợi nếu mắc bệnh.

“Đề nghị Sở TT-TT TPHCM khẩn trương xây dựng nền tảng, ứng dụng và thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu phục vụ phòng chống dịch và công tác quản lý”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.