TP.HCM: Tăng cường phân tuyến điều trị sốt xuất huyết để giảm tải cho tuyến cuối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại cuộc họp về tình hình xã hội TP.HCM sáu tháng đầu năm chiều 30/6, HCDC nhấn mạnh việc TP.HCM cần tăng cường phân tuyến điều trị sốt xuất huyết.
Phó Giám đốc HCDC ông Nguyễn Hồng Tâm - Ảnh: HM
Phó Giám đốc HCDC ông Nguyễn Hồng Tâm - Ảnh: HM

Phân tuyến điều trị sốt xuất huyết, chống quá tải Bệnh viện

Tuy nhiên, như VietTimes đã thông tin, năm nay đúng chu kỳ bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết, với sức “công phá” gấp nhiều lần các năm trước cả về số ca mắc, số ca chuyển nặng và tử vong.

TP.HCM đã ghi nhận 1.111 ổ dịch. Các quận, huyện có ca mắc sốt xuất huyết cao là Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, TP Thủ Đức, Củ Chi và Tân Phú. Nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM đã bị quá tải điều trị sốt xuất huyết do tình hình dịch bệnh tăng cao gấp nhiều lần các năm trước.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt trên địa bàn TP.HCM. Tại cuộc họp chiều ngày 30/6, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay, hiện TP đang điều trị 16 bệnh nhân, trong đó có 1 trẻ em dưới 16 tuổi. Ngày 29/6 có thêm 2 bệnh nhân nhập viện, đồng thời có 2 bệnh nhân xuất viện.

Tại cuộc họp chiều 30/6, Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngành y tế TP đã có kế hoạch và triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả hơn, HCDC đề nghị người dân phải chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống cho bản thân, gia đình và tại nơi sinh sống.

Về khả năng thu dung điều trị sốt xuất huyết, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết, để tránh tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến cuối, BV Bệnh Nhiệt đới sẽ chỉ điều trị cho các trường hợp sốt xuất huyết nặng ở người lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng như các bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM đã quá tải điều trị sốt xuất huyết, vì bệnh nhân mắc sốt xuất huyết dồn dập nhập viện, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cung cấp thông tin về dịch sốt xuất huyết
Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cung cấp thông tin về dịch sốt xuất huyết

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết đơn vị đang tìm cách gỡ khó cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - đơn vị tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM.

Cụ thể, Sở Y tế sẽ tăng cường việc phân tuyến điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết cho tất cả các bệnh viện quận huyện, bệnh viện đa khoa. Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết, Sở phối hợp với Hội Y học TP.HCM cùng các bệnh viện đầu ngành tổ chức các lớp tập huấn cập nhật liên tục việc chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết cho các bác sĩ và điều dưỡng.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay đã tập huấn điều trị sốt xuất huyết cho 3.600 bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện tuyến quận, huyện để giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Như đã thông tin, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận hơn 20.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 10 ca tử vong. Tất cả số ca tử vong đều được đưa tới bệnh viện quá trễ.

Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết ở người lớn chiếm hơn 50%. Trong khi đó, những năm trước đó số trẻ em mắc sốt xuất huyết luôn nhiều hơn so với người lớn.

Các bác sĩ đã cảnh báo nhiều lần về việc người dân không nên chủ quan trước dịch bệnh. Ngành y tế cũng khuyến cáo rằng, mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp nên dành 15 phút mỗi tuần để vệ sinh, dọn dẹp môi trường xung quanh, tiêu diệt lăng quăng, loại bỏ tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết.

Họp báo công bố tình hình dịch bệnh và an sinh xã hội TP.HCM chiều 30/6 tại Trung tâm báo chí TP.HCM
Họp báo công bố tình hình dịch bệnh và an sinh xã hội TP.HCM chiều 30/6 tại Trung tâm báo chí TP.HCM

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2022

Cũng tại buổi họp chiều 30/6, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết, hiện Sở đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT như: Quy hoạch 158 điểm thi, triệu tập 13.656 cán bộ công chức phục vụ cho kỳ thi, trong đó, 10.654 cán bộ làm nhiệm vụ coi thi.

Về công tác chuẩn bị, 158 điểm thi đều có 3 phòng dự phòng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành để phối hợp đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm thi, đảm bảo an toàn công tác vận chuyển đề thi, cũng như vấn đề an toàn thực phẩm xung quanh điểm thi.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh cũng như công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa hè, kỳ thi THPT năm nay sẽ không tổ chức khai mạc, thí sinh sẽ lên thẳng phòng thi, không tụ tập trước và sau thời gian thi chính thức.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã hoàn tất các khâu tập huấn các cán bộ làm công tác thanh tra giám sát tại các điểm thi.

Ngày 1/7 Sở GD&ĐT tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất tại các điểm thi trên toàn TP.