TP.HCM nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM đang cố gắng nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, số hóa dữ liệu dân cư và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dùng. 
Xây dựng và cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM để làm rõ sự tương quan, phù hợp với chương trình chuyển đổi số của thành phố. Ảnh: Hòa Bình
Xây dựng và cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM để làm rõ sự tương quan, phù hợp với chương trình chuyển đổi số của thành phố. Ảnh: Hòa Bình

Giảm thiểu lãng phí nguồn lực cho thành phố

TP.HCM vốn là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình chuyển đổi số. Theo đà đó, Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM đang được xây dựng để đáp ứng với lộ trình xây dựng Đề án đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số thành phố.

Một trong những phần việc quan trọng là xác định chi tiết về chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông, tiêu chuẩn công nghệ… để có thể triển khai các giải pháp công nghệ theo định hướng đô thị thông minh và chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, giảm thiểu lãng phí nguồn lực của thành phố.

Tất nhiên không dễ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống thông tin của thành phố, theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp công nghệ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xu hướng tăng cường tính di động, Internet vạn vật.

Bằng chứng là, một việc đã được thống nhất từ rất sớm là cấp hộ chiếu vaccine điện tử cho người dân đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 nhưng đã khá chậm trễ so với tiến độ dự kiến, dẫn tới hậu quả là nhiều người muốn đi ra nước ngoài nhưng lại chưa nhận được hộ chiếu vaccine.

Chính quyền số của TP.HCM. Ảnh: Hòa Bình

Chính quyền số của TP.HCM. Ảnh: Hòa Bình

Nhưng nhìn chung TP.HCM đã nỗ lực xây dựng nền tảng triển khai chính quyền số bao gồm hạ tầng, nền tảng phát triển và dịch vụ dùng chung.

Các dịch vụ dùng chung

Dịch vụ dùng chung là tập hợp phần mềm nền tảng, dịch vụ thuộc nền tảng chính quyền điện tử thành phố (HCM LGSP- HoChiMinhCity Local Government service platform) phục vụ phát triển các ứng dụng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, liên thông kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, có tính đồng bộ, kế thừa. Đồng thời, hệ thống có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng kiến trúc ứng dụng “mở” nhằm tập hợp nhiều nguồn lực tham gia phát triển, tránh độc quyền, phụ thuộc vào một số nhà cung cấp dịch vụ phần mềm.

Trong các dịch vụ dùng chung có Dịch vụ định danh. Đây là hệ thống quản lý và định danh người dùng tham gia vào hệ thống Chính quyền điện tử thành phố bao gồm cán bộ công chức, viên chức; công dân; doanh nghiệp; khách vãng lai. Hệ thống cung cấp dịch vụ để giúp nhận biết một người khi truy cập vào hệ thống thành phố là ai, ở đâu, thông tin liên quan là gì, được phép thực hiện tác nghiệp gì và khai thác thông tin gì. Đây là thành phần dùng chung không thể tách rời với các dịch vụ công, phần mềm ứng dụng tại Thành phố.

Dịch vụ Thanh toán trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp dịch vụ hỗ trợ kết nối tự động đến các cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử trên địa bàn thành phố. Thông qua dịch vụ này, các phần mềm quản lý thanh toán phí lệ phí từ các dịch vụ hồ sơ dịch vụ công, hóa đơn tiền điện, tiền nước, biên lai nộp phạt ….có thể tích hợp dịch vụ này để cho phép người dân trong địa bàn thành phố có thể thực hiện thanh toán trực tuyến đơn giản, tiện ích.

Ngoài ra còn có dịch vụ Thư điện tử, Hội nghị truyền hình, số hóa, bóc tách dữ liệu, Dịch vụ lưu trữ, dịch vụ GIS nền và dịch vụ thông tin. Khi xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng, các đơn vị không cần phải xây dựng và phát triển trùng lắp mà tận dụng, khai thác tối đa nền tảng dịch vụ dùng chung để đảm bảo tính liên thông kết nối và kế thừa.

Sơ đồ mô hình trao đổi logic giữa các thành phần
Sơ đồ mô hình trao đổi logic giữa các thành phần

Dịch vụ công ngày càng dễ dàng, thuận lợi cho người dân

Với định hướng Chính quyền điện tử quản lý đô thị thông minh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và làm cho các dịch vụ công đơn giản, rõ ràng, nhanh và hiệu quả hơn để người dân được trải nghiệm các dịch vụ công tốt hơn, thời gian gần đây, chính quyền thành phố đã thực hiện một số thay đổi.

Chẳng hạn như kể từ ngày 15-6, người dân tại TP.HCM có thể đến bất cứ UBND phường, xã, thị trấn nào gần nhất, thuận tiện nhất để yêu cầu trích lục hồ sơ khai sinh, khai tử, kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con vì các dữ liệu này đã được số hóa.

Ngoài ra, hiện tại đã cho thấy, nhiều loại giấy tờ như: sổ hộ khẩu, thẻ BHYT, các loại giấy tờ hộ tịch đã, đang và sẽ được thay thế bằng bản điện tử. Do đó, khi người dân thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính có thể xuất trình bản điện tử này thay cho bản giấy.

Ở lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp sẽ được thuận lợi hơn với thủ tục Đăng ký kinh doanh điện tử. Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của TP.HCM hiện tại đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 100% hệ thống thông tin của các sở ngành, quận huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu.

Dữ liệu dùng chung của TP.HCM được sắp xếp theo đơn vị. Ảnh: Hòa Bình
Dữ liệu dùng chung của TP.HCM được sắp xếp theo đơn vị. Ảnh: Hòa Bình

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức cho hay, việc xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến TP.HCM vẫn tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức cùng xác định nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là ưu tiên tập trung tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết được lợi ích thiết thực, tích cực tham gia 25 dịch vụ công thiết yếu và việc cấp số định danh điện tử cho công dân.