TP.HCM: Người dân vét sạch nhiều siêu thị vì mua online không khả thi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số ca bệnh tăng mạnh, người dân TP.HCM vét sạch thực phẩm trong nhiều siêu thị, vì lo sợ mua online không khả thi.
Cố gắng lựa chọn giữa rất ít sự lựa chọn thực phẩm (Ảnh: Hoà Bình)
Cố gắng lựa chọn giữa rất ít sự lựa chọn thực phẩm (Ảnh: Hoà Bình)

Không thể book được lịch giao hàng online trong 3 ngày tới

Trưa ngày 7/7, theo kiểm tra của phóng viên VietTimes, tại nhiều siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM, người đi chợ phải quay về trước những quầy thực phẩm trống trơn. Các quầy thịt, cá, trứng… hết hàng nhanh nhất, sau đó đến các quầy rau.

Nguyên nhân có thể do một số chợ đầu mối như chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn đã bị ngưng hoạt động theo hình thức truyền thống. Ngoài ra, hầu hết các chợ truyền thống đều đã phong toả để phòng dịch, nên người dân quay ra mua sắm chủ yếu tại siêu thị vì thế lượng hàng hoá tức thời không còn đủ cung.

Mặt khác, mặc dù TP khuyến cáo người dân nên mua hàng online nhưng theo phản ánh từ nhiều người mua hàng trực tuyến thời gian này, hầu hết các hệ thống bán hàng trên mạng của các siêu thị đều quá tải. Nhiều đơn hàng đã order nhưng đều nhận được câu trả lời là không thể giao hàng trong 3 ngày tới.

Trước chất vấn của người mua, tổng đài BigC thừa nhận vì dịch nên khách đặt đông quá, phải đặt và chờ 2-3 ngày sau mới được giao hàng. Một số người mua cho hay, hệ thống Saigon Co.op thì giao liền vì ở TP.HCM đây là hệ thống siêu thị lớn nhất với khoảng 2.000 điểm (Saigon Food, Co.op Mart)...

Quầy thịt của một siêu thị không còn một miếng thịt nào - Ảnh Hoà Bình

Quầy thịt của một siêu thị không còn một miếng thịt nào - Ảnh Hoà Bình

Tuy nhiên, cũng có khách cho biết, với hệ thống Co.op Mart thì lần đầu đặt trên App không thấy giao, khi khách gọi thì đại diện trả lời xác nhận giao hàng trong 24h. Nhưng vì chờ mãi vẫn không thấy nhận được hàng hoá, nên vị khách này sau đó vào website đặt hang thì đã nhận được đơn hàng.

Mùa dịch, được biết số đơn hàng online của hệ thống Co.op Mart tăng gấp 5 lần, còn hệ thống Satra Food là tăng 8 lần so với bình thường.

Co.op Food, Co.op Mart yêu cầu đảm bảo giãn cách nên hạn chế số người vào trực tiếp mua hàng, nhiều người đến vài ba lần vẫn phải quay về vì không được vào. Theo phản ánh của khách mua, hàng hoá trong siêu thị được đảm bảo đầy đủ, khách mua hàng đều khai báo y tế, đo nhiệt độ, xịt sát khuẩn tay.

Các nguồn cung đều hứa sẽ chuyển đổi số

Chiều nay ngày 7/7, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Sở Công Thương TP tổ chức họp báo cung cấp thông tin về cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn TP.HCM. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương và ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chủ trì họp báo. Tham dự có Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Satrafoods Lâm Quốc Khanh và đại diện MM Mega Martket.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Thông tin tại họp báo, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã phối hợp với Sở Công Thương điều chỉnh cách thức hoạt động của 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức). Theo đó, trong quá trình cung ứng hàng hóa cho các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ trên địa bàn TP, các thương nhân, thương lái thay vì trao đổi, mua bán hàng hóa trực tiếp sẽ chuyển sang giao dịch qua thương mại điện tử, điện thoại.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã làm việc với các chuỗi cung ứng, hệ thống doanh nghiệp để gia tăng hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho người dân thông qua các kênh mua bán hiện đại.

Theo Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn TP có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân TP Thủ Đức và các quận - huyện. Lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại 3 chợ đầu mối vẫn về TP.HCM với khối lượng tương đối dồi dào.

Quầy trứng gà của một siêu thị không còn quả trứng nào - Ảnh Hoà Bình chụp trưa ngày 7/7

Quầy trứng gà của một siêu thị không còn quả trứng nào - Ảnh Hoà Bình chụp trưa ngày 7/7

Trước tình trạng người dân đổ xô tích trữ hàng hóa như hiện tại, Sở Công Thương cho rằng, việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định. Vì vậy, Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng. TP Thủ Đức và các quận - huyện cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các kênh bán hàng trực tuyến, đi chợ thay cho người lớn tuổi,…

Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.

Trao đổi với báo chí về vấn đề lưu thông hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Võ Khánh Hưng cho biết, 4 tỉnh giáp ranh TP.HCM là Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương đã thành lập các chốt kiểm soát, yêu cầu tài xế trình giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 3 hoặc 5 ngày mỗi khi đi qua. Sở Giao thông Vận tải đang bàn bạc và thống nhất với các đơn vị liên quan về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế vận chuyển hàng hóa.

Tủ đông của một siêu thị trống trơn không còn bất cứ thứ gì - Ảnh: Hoà Bình
Tủ đông của một siêu thị trống trơn không còn bất cứ thứ gì - Ảnh: Hoà Bình

Tại họp báo, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng thông tin thêm, đơn vị đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ. Tại các siêu thị Co.opmart đã chuẩn bị phương án phân luồng, điều tiết số lượng người vào siêu thị, áp dụng hình thức phục vụ tại chỗ hạn chế di chuyển Pick & Ship,... để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách. Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân.

Tương tự, Tổng Giám đốc Satrafoods Lâm Quốc Khanh khẳng định, do lượng khách mua hàng trong những ngày qua tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trong cung ứng. Đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ. Cùng với đó, các cửa hàng, siêu thị của Satrafoods sẽ tăng thời gian hoạt động, cụ thể mở cửa từ 7h-23h hàng ngày.

Chợ truyền thống đóng cửa, nhiều quầy hàng trong siêu thị trống trơn mùa dịch – Video: Hoà Bình

Còn theo đại diện MM Mega Market, đơn vị đang triển khai hình thức bán hàng online và qua app điện thoại. Nhằm tránh tình trạng khách hàng tập trung mua sắm đông đúc, tùy theo diện tích mặt bằng của mỗi siêu thị, MM Mega Market sẽ sắp xếp một lượng khách vào mua sắm nhất định, đảm bảo an toàn về giãn cách.