TP.HCM mở rộng trợ cấp cho người lao động mất việc, giáo viên mầm non

VietTimes -- TP.HCM hỗ trợ người có công, lao động thất nghiệp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và giáo viên mầm non trong dịch COVID-19.


TP.HCM mở rộng trợ cấp cho người lao động mất việc, giáo viên mầm non. Ảnh: Internet
TP.HCM mở rộng trợ cấp cho người lao động mất việc, giáo viên mầm non. Ảnh: Internet

Ngày 7/4, Trung tâm Báo chí TP.HCM và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã hội bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, Sở và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 4 đối tượng được hỗ trợ do tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19.

Đối với người có công, trong bối cảnh dịch COVID-19, Thành ủy, UBND TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp như: chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH), tử tuất cho người có công, cán bộ hưu trí tại nhà.

Hiện, TP.HCM có trên 210.000 người được hưởng chế độ này với việc trả các khoản trợ cấp tính từ tháng 4-5. Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, cán bộ nhân viên bưu điện, cán bộ phường xã, lực lượng đoàn viên thanh niên sẽ đến tận nhà từng người để chi trả.

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 43.000 trường hợp là người có công hưởng chính sách xã hội, hơn 120.000 cán bộ hưu trí, hơn 140.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội. Thời gian thực hiện chi trả các khoản hỗ trợ, BHXH cho người dân từ ngày 6-24/4.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Ông Tấn cho hay: "Việc thực hiện chi trả các khoản trợ cấp, lương hưu tại nhà cho người có công, cán bộ hưu trí, bảo trợ xã hội là một phép thử đối với quản lý nhà nước để chúng ta có thêm điều kiện gần dân, sát dân hơn, đặc biệt là đối tượng có công ngày càng giảm do tuổi già sức yếu, giúp các bạn trẻ biết hơn cuộc sống của bà con ra sao và để chúng ta hiểu bà con và bà con cũng hiểu cán bộ, gần gũi với cán bộ. Để khi tác động của dịch kết thúc, thành phố sẽ có nhiều hoạt động chăm lo tốt hơn cho số cán bộ có công, cô bác hưu trí của thành phố".

TP.HCM có 415 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 3,2 triệu công nhân, người lao động đang làm việc, trong đó số lao động làm việc trong Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCN-KCN) có 300 ngàn công nhân với 1.200 doanh nghiệp, Khu công nghệ cao 45 ngàn công nhân 95 doanh nghiệp, còn quận huyện có khoảng 414 doanh nghiệp gần 2,8 triệu công nhân làm việc.

Qua khảo sát có 75% doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, không có nguyên liệu, các doanh nghiệp giảm 30-40% công nhân nhân đang làm việc.

Bước đầu khảo sát thống kê có khoảng 600.000 lao động bị ngừng việc, mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vì chưa chấm dứt hợp đồng lao động. Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/3 tháng/người.

Đối với giáo viên trường mầm non tư thục, khi học sinh nghỉ học, trường không thu học phí nên không có nguồn lực chi trả lương giáo viên. TP.HCM sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/3 tháng/người. Thống kê cho thấy toàn thành phố có 32.000 giáo viên nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo tư thục.

Theo ông Tấn, Sở đã yêu cầu UBND các quận huyện, ban quản lý các KCN, KCX, KCNC rà soát các cơ sở có trên địa bàn, xác định những lao động bị ngừng việc và mất việc, báo cáo số liệu cho Sở, nhằm giám sát chặt chẽ các đối tượng nhận hỗ trợ không bị trùng lắp và tránh trục lợi.

"Đối với giáo viên, phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên trường tư thục trên địa bàn gửi về Sở. Sau đó, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM làm việc với Sở Tài chính, dùng kinh phí thành phố chuyển về quận huyện để hỗ trợ người lao động, người bán vé số, người có công và giáo viên kịp thời”, ông Tấn cho biết thêm.