Top xe bán ế nhất tháng 6/2024: Sedan tụt dốc không phanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Top 10 mẫu ô tô bán kém nhất thị trường Việt trong tháng 6/2024 có nhiều sự xáo trộn. Đáng chú ý, mẫu xe thường trực ế ẩm Suzuki Ciaz đã không còn xuất hiện, trong khi hai mẫu sedan Mazda 6 và Corolla Altis lần đầu góp mặt.

Top xe bán ế nhất tháng 6/2024: Sedan tụt dốc không phanh

Corolla Altis và Mazda 6 lần đầu góp mặt

Trong tháng 6 vừa qua, rất nhiều chương trình kích cầu thúc đẩy bán hàng được các hãng xe và đại lý tung ra với nhiều hình thức như giảm giá, ưu đãi trước bạ, tặng phụ kiện, bảo hiểm thân vỏ...

Mặc dù vậy, không phải mẫu xe nào cũng được khách hàng đón nhận tích cực. Nhiều mẫu xe thậm chí bán ra không chạm nổi hai con số, điển hình như Honda Accord, Toyota Alphard hay Suzuki Swift.

Chi tiết 10 mẫu xe bán chậm nhất tháng 6/2024:

STT Mẫu xe Tháng 6/2024 (chiếc) Tháng 5/2024 (chiếc) Tỉ lệ tăng/giảm (%)
1 Honda Accord 8 4 +100
2 Toyota Alphard 8 19 -57,8
3 Suzuki Swift 9 21 -57,1
4 Toyota Corolla Altis 15 35 -57,1
5 Isuzu mu-X 18 12 +50
6 Mazda 6 21 78 -73%
7 Kia K5 21 20 +5
8 Suzuki XL7 28 15 +86,6
9 Isuzu D-Max 31 33 -6
10 Kia Soluto 45 25 +80

Suzuki Ciaz, mẫu sedan thường xuyên nằm trong top xe bán chậm trong tháng 6 bỗng dưng biến mất. Dĩ nhiên, đây không phải do sự cải thiện về mặt doanh số bán hàng, mà do mẫu xe này đã bị ngừng bán tại thị trường Việt Nam từ tháng 5/2024.

altis 2024.jpeg
Corolla Altis chỉ bán ra 15 chiếc trong tháng 6/2024.

Với Corolla Altis, trong tháng 6 vừa qua, mẫu sedan cỡ C nhà Toyota chỉ bán ra 15 chiếc, doanh số giảm 57,1% so với tháng liền trước. Với kết quả này, không khó hiểu khi Corolla Altis rơi vào nhóm xe bán ế tại thị trường.

Xét rộng ra trong phân khúc sedan hạng C, Corolla Altis trở thành mẫu xe bị người tiêu dùng bỏ rơi. Khoảng cách về doanh số với Mazda 3 và Kia K3 ngày càng được nới rộng, thậm chí còn thua cả Hyundai Elantra và Honda Civic.

Thêm mẫu xe lần đầu xuất hiện trong danh sách bán chậm của tháng còn có Mazda 6. Mặc dù được hãng và hệ thống đại lý áp dụng nhiều ưu đãi, mẫu xe này chỉ đạt doanh số khiêm tốn 21 xe, giảm đến 73% so với tháng 5/2024 (với 78 xe).

Xe Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng kém sức hút

Trong tổng số 10 mẫu xe có doanh số bết bát nhất tháng 6/2024, có đến 7 mẫu có xuất xứ Nhật Bản bao gồm 2 sản phẩm đến từ Toyota, 2 của Suzuki, 2 của Isuzu và 1 từ Honda. Trong khi các sản phẩm đến từ Hàn Quốc cũng chịu cảnh tương tự với 3 mẫu xe gồm Mazda 6 và bộ đôi nhà Kia là K5 và Soluto.

swift trắng.jpeg
Suzuki Swift trong tháng vừa qua cũng chỉ bán ra 9 chiếc toàn thị trường.

Các mẫu xe Nhật Bản có doanh số thấp nhất bao gồm Honda Accord và Toyota Alphard khi cả hai sản phẩm chỉ bán ra 8 chiếc. Riêng Accord, mẫu sedan cỡ D ghi nhận mức tăng trưởng gấp đôi so với tháng liền trước (4 chiếc). Nhưng như vậy cũng không thể giúp doanh số của mẫu xe chạm đến hai con số.

Suzuki Swift và Corolla Altis còn thê thảm hơn, trong tháng 6 vừa qua Swift bán ra 9 xe, giảm đến 57% so với tháng 5/2024. Trong khi đó, Corolla Altis cũng ghi nhận mức giảm tương đương với doanh số chỉ vỏn vẹn 15 chiếc được chốt đơn thành công.

Những mẫu xe Nhật có doanh số ảm đạm trong tháng còn có bộ đôi Isuzu gồm Mu-X với 18 xe, bán tải D-Max 31 xe. Mẫu MPV tầm trung là Suzuki XL7 có tỷ lệ tăng trưởng mạnh so với tháng liền trước nhưng cũng chỉ có 28 xe được chốt đơn thành công trong tháng 6.

Hai sản phẩm gồm Mazda 6 và Kia K5 đều nằm trong cùng một phân khúc sedan hạng D. Trùng hợp khi cả hai mẫu xe đều bán ra 21 chiếc trong tháng 6. Điều này cho thấy các dòng sedan gầm thấp ngày càng đánh mất thị phần, sức mua cứ tụt dần đều trong những tháng trở lại đây.

soluto đỏ.jpeg
Tăng trưởng mạnh trong tháng 6/2024, tuy nhiên Soluto cũng chỉ đạt 45 chiếc.

Kia Soluto trong tháng 6 bán ra 45 chiếc, tăng đến 80% so với tháng liền trước (25 xe). Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để Soluto có thể cạnh tranh với các đối thủ gồm Hyundai Accent, Toyota Vios hay Honda City. Mặc dù có mức giá thuộc hàng rẻ nhất phân khúc sedan cỡ B, song đây vẫn không phải là lựa chọn ưa thích của người tiêu dùng Việt.

Theo nhận định của chuyên gia, thị trường toàn ngành trong tháng 6 có nhiều biến động khiến doanh số của các hãng bị ảnh hưởng. Trong số đó, tâm lý chờ đợi "phao cứu sinh" 50% trước bạ của Nhà nước phần nào tác động đến sức mua của khách hàng, đặc biệt với các dòng xe sản xuất và lắp ráp trong nước.