Tổng thống Trump: Học sinh Việt Nam nằm trong số những học sinh giỏi nhất thế giới

VietTimes -- Đầu thập niên 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống chỉ với một vài đô la một ngày. Còn ngày nay, nền kinh tế Việt Nam mở cửa là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Kinh tế tăng gấp 30 lần và học sinh Việt Nam nằm trong số những học sinh giỏi nhất thế giới. Và điều này rất đáng phục. 
Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: BNG.
Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: BNG.
Đó là một trong những điểm nhấn trong bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 10/11 vừa qua. Lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong số các nước Đông Nam Á, Tổng thống Trump đã thể hiện sự hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam và bày tỏ đánh giá cao về tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với lợi ích của hai nước và hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.
VietTimes xin lược đăng nội dung bài phát biểu này theo bản dịch của Nhà Trắng cung cấp:

"Thật vinh dự khi tôi được đến đây, tại Việt Nam – ngay giữa trung tâm Ấn Độ-Thái Bình Dương để phát biểu trước người dân và các vị lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực này.

Đây là một tuần đáng nhớ của Hoa Kỳ tại một nơi tuyệt vời của thế giới. Bắt đầu từ Hawaii, Melania và tôi đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và giờ đây là Việt Nam, để có mặt cùng với tất cả quý vị ngày hôm nay.

Trước khi bắt đầu, tôi muốn nói với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Damrey. Người Mỹ cầu nguyện cho quý vị và cho sự phục hồi của quý vị trong những tháng sắp tới.  Trái tim của chúng tôi hòa cùng những người Việt Nam bị mất mát do hậu quả của cơn bão khủng khiếp này.

Chuyến đi này diễn ra vào thời điểm phấn khởi đối với nước Mỹ. Một sự lạc quan mới tràn khắp quốc gia của chúng tôi. Tăng trưởng kinh tế đạt 3,2 %, và sẽ tăng cao hơn nữa. Tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm qua. Thị trường chứng khoán ở mức cao nhất. Và cả thế giới đi lên nhờ sự phục hồi của Mỹ.

Tại mỗi chặng tôi dừng chân trên chuyến công du này, tôi đều hân hạnh chia sẻ tin tốt lành từ nước Mỹ. Nhưng hơn hết là tôi vinh dự chia sẻ viễn cảnh của Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở -- một nơi mà các quốc gia có chủ quyền và độc lập với nền văn hóa đa dạng và nhiều giấc mơ khác nhau, có thể cùng nhau phồn vinh và phát triển trong tự do và hòa bình.

Tôi cũng rất vui mừng khi có mặt tại đây hôm nay, tại APEC, bởi vì tổ chức này được thành lập để giúp chúng ta đạt mục đích. Nước Mỹ là thành viên tự hào của cộng đồng các quốc gia có ngôi nhà trên Thái Bình Dương. Chúng tôi là đối tác tích cực trong khu vực này kể từ lần đầu tự giành nền độc lập.

Vào năm 1784, chiếc tàu Mỹ đầu tiên căng buồm đến Trung Quốc từ một Hoa Kỳ vừa độc lập. Chiếc tàu chở đầy hàng hóa để bán tại Châu Á, và trở về chật ních đồ sứ và trà. Vị tổng thống đầu tiên của chúng tôi, George Washington sở hữu một bộ bàn ăn từ chiếc tàu đó.

Vào năm 1804, Thomas Jefferson đã cử hai nhà thám hiểm là Lewis và Clark, trên chuyến thám hiểm tới Bờ biển Thái Bình Dương. Họ là những người đầu tiên trong số hàng triệu người Mỹ mạo hiểm đến phía tây để mở rộng vận mệnh của Mỹ khắp lục địa rộng lớn của chúng tôi.

Vào năm 1817, Quốc hội của chúng tôi đã chấp thuận triển khai tàu chiến Mỹ đầu tiên đến Thái Bình Dương. Sự hiện diện của nhóm hải quân ban đầu chẳng bao lâu phát triển thành đội tàu, và sau đó thành hạm đội, để bảo đảm tự do hàng hải cho số lượng tàu ngày càng gia tăng, đương đầu với biển khơi sóng lớn để đến các thị trường tại Philippines, Singapore, và Ấn Độ.

Vào năm 1818, chúng tôi bắt đầu mối quan hệ với Vương quốc Thái Lan, và 15 năm sau hai quốc gia đã ký hiệp ước hữu nghị và thương mại – hiệp ước đầu tiên của chúng tôi với quốc gia Châu Á.

Trong thế kỷ tiếp theo, khi thế lực đế quốc đe dọa khu vực này, Hoa Kỳ đã đẩy lui với cái giá cao ngất cho bản thân. Do chúng tôi hiểu rằng an ninh và thịnh vượng tùy thuộc vào nó.

Chúng tôi có bạn bè, đối tác, và đồng minh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương trong một thời gian dài và chúng ta sẽ là bạn bè, đối tác, và đồng minh trong một thời gian dài sắp tới.

Là những người bạn lâu năm trong khu vực, không ai vui mừng hơn nước Mỹ khi chứng kiến, giúp đỡ, và chia sẻ tiến bộ vượt bậc của quý vị trong hơn nửa thế kỷ qua.

Những gì mà các quốc gia và nền kinh tế hiện diện tại đây hôm nay đã tạo dựng một phần  của thế giới thật kỳ diệu. Câu chuyện của khu vực này trong những thập niên gần đây là câu chuyện về những điều khả dĩ khi người dân làm chủ tương lai của mình.

Ít ai hình dung được chỉ cách đây một thế hệ các vị lãnh đạo của những quốc gia này có thể cùng nhau đến đây, tại Đà Nẵng để thắt chặt tình bạn, mở rộng hợp tác, và kỷ niệm thành tựu đáng kinh ngạc của người dân chúng ta.

Thành phố này trước đây từng là ngôi nhà của căn cứ quân sự Mỹ, tại một quốc gia mà nhiều người Mỹ và Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh đẫm máu.

Ngày nay, chúng ta không còn là kẻ thù nữa; chúng ta là bạn bè. Và thành phố cảng này đang rộn ràng với nhiều tàu cập bến từ khắp thế giới. Những công trình thiết kế kỳ công như Cầu Rồng, đón chào hàng triệu người đến thăm những bãi biển tuyệt đẹp, cảnh quan lộng lẫy và vẻ đẹp cổ xưa của Đà Nẵng.

Vào đầu thập niên 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống chỉ với một vài đô la một ngày, và cứ một trên bốn người không có điện. Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam mở cửa là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Kinh tế tăng gấp 30 lần và học sinh Việt Nam nằm trong số những học sinh giỏi nhất thế giới. Và điều này rất đáng phục. 

Đây là câu chuyện giống nhau về sự chuyển đổi đáng kinh ngạc chúng ta đã chứng kiến khắp khu vực. Người Indonesia trong hàng thập niên đã tạo dựng các cơ sở nội địa và dân chủ để cai quản hơn 13,000 đảo. Kể từ thập niên 1990, người dân Indonesia đã tự đưa mình thoát khỏi đói nghèo để trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất của G20. Ngày nay, Indonesia là nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới.

Philippines nổi lên như là quốc gia đáng tự hào về gia đình vững mạnh và mộ đạo. Trong 11 năm liên tiếp, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp Philippines nằm trong số các quốc gia Châu Á đầu tiên san bằng khoảng cách giới tính và khuyến khích lãnh đạo là phụ nữ tham gia kinh doanh và chính trị. 

Vương quốc Thái Lan đã trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình trong chưa tới một thế hệ. Thủ đô hoàng gia Băng Cốc giờ đây là thành phố được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Và điều này rất tốt. Không có nhiều người ở đây đến từ Thái Lan. 

Malaysia đã phát triển nhanh chóng qua các thập niên gần đây, và giờ đây được đánh giá là một trong những nơi làm kinh doanh tốt nhất thế giới.

Tại Singapore, các công dân mà cha mẹ từng có thu nhập 500 USD/năm,  giờ đây nằm trong số những người có thu nhập cao nhất thế giới – sự chuyển đổi nhờ vào tầm nhìn của Lý Quang Diệu về quản trị trung thực và pháp quyền. Và người con trai tuyệt vời của ông hiện nay đang lạnh đạo rất tốt. 

Như quan sát gần đây của tôi tại Hàn Quốc, người dân của Cộng hòa Hàn Quốc sống ở một quốc gia nghèo bị chiến tranh tàn phá, và chỉ trong một vài thập niên, họ đã đưa quốc gia mình trở thành một trong những nền dân chủ giàu có nhất thế giới.  Ngày nay, người dân Hàn Quốc có thu nhập cao hơn các công dân của nhiều quốc gia Liên minh Châu Âu. Tôi đã trải qua thời gian tuyệt vời cùng Tổng thống Moon. 

Mọi người đều biết về những thành tựu ấn tượng của Trung Quốc trong hơn vài thập niên. Trong thời gian này – và đây là thời kỳ cải tổ thị trường tuyệt vời – phần lớn các nơi của Trung Quốc đã đạt tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, việc làm bùng nổ, và hơn 800 triệu công dân thoát khỏi nghèo đói. Tôi vừa rời Trung Quốc sáng nay và có buổi họp rất thành công và có khoảng thời gian tuyệt vời với vị chủ nhà lịch thiệp là Chủ tịch Tập. 

Và như tôi thấy ở chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du này, tại Nhật Bản chúng tôi chứng kiến một nền dân chủ năng động tại quốc gia có nhiều kỳ tích công nghiệp, kỹ thuật, và văn hóa. Trong chưa tới 60 năm, đảo quốc này đã có 24 người đoạt giải Nobel cho những thành tựu về vật lý, hóa học, y tế, văn chương, và thúc đẩy hòa bình. Thủ tướng Abe và tôi đã thỏa thuận trên nhiều vấn đề với nhau. 

Tại khu vực rộng lớn hơn, các quốc gia ngoài APEC cũng có nhiều tiến bộ lớn trong chương mới dành cho Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Ấn Độ đang kỷ niệm 70 năm ngày độc lập. Đây là một quốc gia dân chủ có chủ quyền, cũng như – hãy nghĩ về điều này – hơn 1 tỉ người. Đây là nên dân chủ lớn nhất trên thế giới. Kể từ khi Ấn Độ mở cửa kinh tế, quốc gia này đã phát triển đáng kinh ngạc và có nhiều cơ hội mở rộng tầng lớp trung lưu. Và thủ tướng Modi đã dày công để đưa quốc gia khổng lồ này, và tất cả những người dân của họ, trở thành một. Và ông đã rất, rất thành công.

Như chúng ta thấy, càng ngày càng có nhiều nơi trong khắp khu vực này, công dân của các quốc gia có chủ quyền và độc lập, đã nắm lấy số phận của mình tốt hơn và thúc đẩy tiềm năng của người dân.

Họ theo đuổi viễn cảnh về công bằng và trách nhiệm, tăng thịnh vượng và tôn trọng luật pháp, và thúc đẩy hệ thống coi trọng làm ăn chăm chỉ và doanh nghiệp cá nhân.

Họ lập doanh nghiệp, xây thành phố, xây toàn bộ quốc gia từ nền móng đi lên.  Nhiều người trong số quý vị tại căn phòng này đã tham gia vào những dự án quốc gia tuyệt vời này. Đó là những dự án của quý vị từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn tất, biến giấc mơ thành hiện thực.

Với sự giúp đỡ của quý vị, toàn khu vực này đã phát triển – và sẽ vẫn phát triển – thành một chòm sao quốc gia tuyệt đẹp, mỗi quốc gia đều có vệ tinh, ngôi sao sáng – và mỗi ngôi sao là một quốc gia, một nền văn hóa, một lối sống, và một ngôi nhà.

Những người trong số quý vị đã sống qua những cuộc chuyển đổi này hiểu rõ hơn bất cứ ai về giá trị của những gì quý vị đạt được. Quý vị cũng hiểu rằng nhà của quý vị là gia tài của mình, và quý vị phải luôn bảo vệ nó.

Trong tiến trình phát triển kinh tế, quý vị tìm kiếm quan hệ thương mại và buôn bán với các quốc gia khác, và thúc đẩy hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hướng đến lợi ích chung.

Hôm nay, tôi có mặt tại đây để làm mới quan hệ đối tác với Mỹ, để cùng nhau củng cố mối liên kết bằng hữu và thương mại giữa tất cả các quốc gia của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, và cùng nhau thúc đẩy thịnh vượng và an ninh.

Điểm cốt lõi của mối hợp tác này, chúng ta muốn thúc đẩy mối quan hệ thương mại xây dựng trên nguyên tắc công bằng và cùng có lợi. Khi Hoa Kỳ tham gia vào mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác hay những người khác, chúng tôi sẽ, từ bây giờ, mong muốn các đối tác của chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định giống như chúng tôi. Chúng ta mong muốn thị trường sẽ mở cửa trên mức độ bình đẳng cho cả đôi bên, và ngành nghề tư nhân, không phải những người hoạch định của chính phủ, sẽ đầu tư trực tiếp..."