|
Tổng thống Séc Petr Pavel trong chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine (Ảnh: Getty) |
Tổng thống Séc Petr Pavel cho biết các đường ống dẫn khí Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) là “mục tiêu hợp pháp” đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ông không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Kiev thực sự đứng sau vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng này.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Novinky.cz hôm 21/8, ông Pavel đã được yêu cầu bình luận về một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal tuần trước, trong đó tuyên bố rằng vụ nổ vào tháng 9/2022, làm vỡ các đường ống được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức và phần còn lại của phương Tây, là do Kiev thực hiện.
Theo nguồn tin của tờ báo Mỹ, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu tán thành cuộc tấn công nhưng sau đó đã cố gắng hủy bỏ nó do sức ép của CIA, nhưng Tổng tư lệnh quân đội Ukraine khi đó là Valery Zaluzhny vẫn tiếp tục thực hiện đòn tấn công này.
Tổng thống Séc đưa câu trả lời, nhấn mạnh rằng ông không có bất kỳ thông tin “buộc tội rõ ràng” nào có thể liên kết Kiev với cuộc tấn công vào đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng “khi một cuộc xung đột vũ trang được tiến hành, nó không chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự mà còn nhằm vào các mục tiêu chiến lược. Và các đường ống là mục tiêu chiến lược”.
Nếu vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc “nhằm mục đích cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt và dầu cho châu Âu và [dòng tiền] quay trở lại Nga, thì đó sẽ là mục tiêu hợp pháp”, ông Pavel, người từng là một tướng lĩnh NATO, cho biết.
“Các đường ống đã và sẽ luôn là mục tiêu vì chúng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc xung đột theo hướng này hay hướng khác”, ông nói thêm.
Tổng thống Séc thừa nhận rằng nếu vai trò của Ukraine trong việc phá hủy Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 được chứng minh, điều đó có thể “ảnh hưởng đến việc các nước [trong EU] sẵn sàng hỗ trợ Ukraine” trong cuộc chiến với Nga.
"Còn không, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc hỗ trợ Ukraine vào thời điểm này. Vấn đề không phải là chúng tôi có thích Ukraine hay không mà là liệu chúng tôi có muốn sống trong một thế giới mà một quốc gia có thể xâm chiếm một quốc gia khác chỉ vì nó lớn hơn và mạnh mẽ hơn?”, ông tuyên bố.
Các quan chức hàng đầu ở Moscow, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước đây đã cáo buộc Mỹ là thủ phạm có thể đứng sau vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc. Họ lập luận rằng Washington có đủ phương tiện kỹ thuật để thực hiện hoạt động như vậy và cũng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tấn công làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho EU, buộc phải chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đắt tiền hơn do Mỹ cung cấp.
Đầu năm 2023, nhà báo Seymour Hersh từng đoạt giải Pulitzer đưa tin rằng chất nổ đã được các thợ lặn của Hải quân Mỹ cài đặt trên đường ống Nord Stream trong một hoạt động nằm dưới vỏ bọc của một cuộc tập trận của NATO, và sau đó được kích nổ theo lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Nhà Trắng phản ứng bằng cách bác bỏ những phát hiện này là “hoàn toàn sai sự thật và hoàn toàn hư cấu”.