Tổng thống Putin cấp quốc tịch Nga cho người tị nạn Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

John Anthony Robles đã đến nước Nga từ những năm 1990 và kể từ đó đã trải qua các công việc giáo viên và nhà báo quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm đầu tuần này đã cấp quyền công dân cho một người đàn ông từng được truyền thông nước này mệnh danh là “người tị nạn chính trị đầu tiên của Mỹ”. John Anthony Robles đã được cấp hộ chiếu Nga cùng với hơn chục người khác, bao gồm các nhà báo, doanh nhân và vận động viên.

Ông Robles đến Nga vào năm 1996, nơi ông được cấp quy chế tị nạn. Phía Mỹ cho biết ông đang bị cơ quan an ninh Mỹ truy lùng vì nỗ lực liên lạc với các quan chức Nga và sự phản đối kiên quyết của ông đối với “chủ nghĩa đế quốc.

Ông được cho là một trong những người nước ngoài đầu tiên được tị nạn ở nước Nga hiện đại. Kể từ khi đến đây, ông đã làm giáo viên và nhà báo quốc tế cho đài Tiếng nói Nga.

Danh sách các công dân nước ngoài khác được cấp quốc tịch Nga theo sắc lệnh của Tổng thống hôm 21/10 bao gồm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Brazil Douglas Santos, người hiện đang chơi cho đội Zenit của Nga có trụ sở tại St. Petersburg, cũng như vận động viên khúc côn cầu người Canada và nhà vô địch Stanley Cup 2020, Cedric Paquette, hiện đang chơi cho câu lạc bộ KHL Dynamo Moscow.

3 công dân Lebanon cũng được cấp quốc tịch Nga. Một trong số họ là Fadi Boudiya, tổng biên tập của Mạng lưới quốc tế Miraya. Người này bị thương trong một cuộc pháo kích của Israel vào cuối tháng 9 khi đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn trực tuyến. Hai người còn lại là nghệ sĩ và nhà sử học nghệ thuật Nizar Daher, thành viên danh dự của Học viện Nghệ thuật Nga; Jacques Sarraf, một doanh nhân nổi tiếng, người cũng từng giữ chức vụ lãnh sự danh dự của Nga tại Lebanon từ năm 1993.

Nhà tội phạm học, nhà khoa học xã hội và nhà báo người Phần Lan Erkki Johan Backman cũng đã được cấp quyền công dân. Backman, người từng làm việc tại Đại học Helsinki cũng như một số cơ sở khoa học và giáo dục khác ở Phần Lan, đã thành lập Ủy ban chống phát xít Phần Lan vào năm 2008.

Ông cũng nổi tiếng với những lời chỉ trích cách Estonia đối xử với các đài tưởng niệm Thế chiến II của Liên Xô và cũng đã xuất bản một cuốn sách về sự hợp tác của Estonia và Phần Lan với Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ II. Estonia tuyên bố ông là người không được chào đón vào năm 2009.