Tổng thống Putin bị xúc phạm, Nga nổi giận

Bộ trưởng Quốc phòng Anh được cho là đã miêu tả Tổng thống Putin là “một mối đe dọa lớn với Châu Âu như nhóm Nhà nước Hồi giáo”, nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới hiện nay. Điều này đã khiến Moscow vô cùng tức giận.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon

Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh mới đây đã phải ra lệnh cho chiến đấu cơ của họ cất cánh khẩn cấp để đi đánh chặn hai chiếc máy bay ném bom của Anh ở bờ biển Cornwall, phía tây nam nước Anh, Bộ Quốc phòng Anh hôm qua (19/2) cho biết. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh giới cựu tướng lĩnh Anh lo ngại Không lực Anh không đủ sức đương đầu với Nga.

Những chiếc máy bay chiến đấu Typhoon của Anh đã cất cánh từ một căn cứ không quân ở miền đông nước Anh và bám theo hộ tống hai chiếc máy bay ném bom của Nga ở không phận quốc tế “cho đến khi những chiếc máy bay này ra khỏi khu vực lợi ích của Anh”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố. Cuộc “chạm trán” trên diễn ra hôm 18/2.

“Máy bay của quân đội Nga không xâm phạm vào không phận của Anh”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh khẳng định. Trong thời Chiến tranh Lạnh, máy bay ném bom của Nga thường xuyên thử thách các hệ thống phòng không của phương Tây bằng cách bay về phía bờ biển và hoạt động này đang được lặp lại thường xuyên kể từ khi cuộc đối đầu Đông-Tây bùng phát vì cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine.

Số các cuộc đánh chặn máy bay Nga tiếp cận không phận phương Tây của các nước Châu Âu đã tăng lên gấp 3 lần so với năm 2013, giới nghiên cứu Anh hồi tháng 11 năm ngoái dẫn lời các quan chức NATO cho biết.  

“Tôi nghi ngờ rằng những gì đang xảy ra ở đây là Nga đang tìm cách thể hiện một điều gì đó và tôi không nghĩ rằng chúng ta nên đề cao chuyện đó bằng một phản ứng quá mức”, Thủ tướng Anh David Cameron đã phát biểu như vậy trong một chuyến thăm đến miền đông nước Anh.  

Sự kiện máy bay ném bom Nga tiếp cận không phận phương Tây và bị máy bay Anh bám theo diễn ra trong thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon vừa có phát biểu cho rằng Tổng thống Putin có thể lặp lại các chiến thuật đang sử dụng ở Ukraine với các quốc gia Baltic như  Estonia, Latvia và Lithuania – những nước cựu Xô viết hiện đang là thành viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“NATO cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ hành động gây hấn, xâm lược nào từ Nga dù dưới bất kỳ hình thức nào”, ông Fallon cho biết đồng thời nói thêm rằng ông lo lắng về việc Tổng thống Nga Putin “gây áp lực lên các nước Baltics – một cách để thử thách NATO”.  

“Các bạn cho xe tăng, xe bọc thép đi lại trên khắp biên giới Ukraine và các bạn bắt giữ một lính biên phòng Estonia và không trả lại người”, ông Fallon đã nói như vậy với các phóng viên đến từ The Times of London và The Daily Telegraph.  

Ông Fallon cũng nhớ lại vụ đánh chặn máy bay Nga cách đây 2 tuần ở Eo biển Anh, giữa Pháp và Anh. “Chúng tôi đã phải cất cánh khẩn cấp để hộ tống máy bay của Nga. Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như vậy kể từ thời kỳ căng thẳng Chiến tranh Lạnh”, ông Fallon nói thêm.  
Ông Fallon miêu tả chiến lược của Tổng thống Nga Putin là “mối đe dọa hiện hữu và rất thật”. Chưa hết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh được cho là còn nhấn mạnh Tổng thống Putin là “một mối đe dọa lớn với Châu Âu như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS)”, nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới hiện nay.

Nga nổi giận đùng đùng  

Ở thủ đô Moscow, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow sẽ tìm cách đáp trả “những phát biểu không thể chấp nhận được” của ông Fallon vì nó đã đi quá xa so với “đạo đức ngoại giao”.  

Điện Kremlin cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã không có chút lý trí nào khi so sánh Nga lãnh đạo Nga với nhóm khủng bố IS.  
"Người có thể thốt ra điều đó chắc chắn không thể hiểu được anh ta đang nói cái gì”, phát ngôn viên của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov đã bình luận như vậy trên hãng tin Russian News Service khi được nói về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Fallon.  

Cuộc khẩu chiến giữa Nga và Anh phản ánh cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc đối đầu này được châm ngòi từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine và nó đang dẫn đến những hành động quân sự gây giật mình của cả Nga và phương Tây, khiến thế giới lo ngại về khả năng bùng phát xung đột vũ trang trên diện rộng. Điều này được thể hiện qua mối quan hệ giữa Nga và NATO.  

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. Động thái của NATO khiến Nga không thể ngồi yên, và việc Moscow tăng cường các chuyến bay quân sự trên bầu trời Châu Âu được cho là một hành động đáp trả.

VnMedia