Tổng thống Jair Bolsorano và việc Brazil trở thành trung tâm dịch bệnh thứ hai thế giới

VietTimes – Đâu sẽ là “tâm chấn” tiếp theo của đại dịch COVID-19 toàn cầu sau Châu Âu và Hoa Kỳ? Nhiều người đều hướng sự lo ngại về Châu Phi và Ấn Độ. Tuy nhiên, trái với mọi sự dự đoán, Brazil đã vượt qua Nga vọt lên xếp thứ hai toàn cầu và trở thành trung tâm tiếp theo của dịch bệnh trên thế giới.
Tổng thống Bolsorano bị coi là liên quan đến việc Brazil trở thành quốc gia bị dịch nghiêm trọng  thứ hai thế giới (Ảnh: AP)
Tổng thống Bolsorano bị coi là liên quan đến việc Brazil trở thành quốc gia bị dịch nghiêm trọng thứ hai thế giới (Ảnh: AP)

Theo trang web worldometers.info, tính đến cuối ngày 22/5, tổng số bệnh nhân mới nhất trên thế giới được ghi nhận trong một ngày là 107.716 trường hợp; tổng số người bị bệnh đã tăng lên tới hơn 5,298.200 và số ca tử vong tăng thêm 5,252 người đưa tổng số  lên tới 339.425. Trong số đó, Brazil, quốc gia có dân số đông nhất Nam Mỹ, đã gia tăng mạnh mẽ và tổng số người được xác nhận bị bệnh đã vượt qua Nga, trở thành vùng dịch bệnh lớn thứ hai thế giới.

Dữ liệu cho thấy sau khi 24.197 trường hợp mới được xác nhận tại Hoa Kỳ, đưa tổng số người bị bệnh lên 1.645.094 trường hợp, số người tử vong tăng thêm 1.293 trường hợp, đưa tổng số lên 97.647 ca.

Đồng thời, Brazil đã có thêm gần 20.000 bệnh nhân mới được chẩn đoán trong một ngày. Sau khi thêm 19.969 trường hợp được xác nhận, tổng số chẩn đoán đã đạt 330.890, vượt qua Nga về số người mắc bệnh (326.448) và trở thành quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ. Ngoài ra, sau khi có thêm 966 ca tử vong, số người chết vì COVID-19 ở Brazil đã tăng lên 21.048.

Số người bị bệnh ở Brazil đang tăng đột biến do lây nhiễm mạnh trong cộng đồng (Ảnh: AP).
Số người bị bệnh ở Brazil đang tăng đột biến do lây nhiễm mạnh trong cộng đồng (Ảnh: AP).

Điều đáng chú ý là, hiện nay số bệnh nhân mới tăng thêm mỗi ngày ở Brazil hiện đang dao động ở mức khoảng 20.000, trong khi số bệnh nhân mới ở Nga là khoảng 9.000, điều đó cũng có nghĩa là ngày hôm sau, ngoại trừ yếu tố chênh lệch múi giờ, tổng số bệnh nhân ở Brazil sẽ vượt qua Nga một cách toàn diện. Mặc dù khoảng cách với 1,6 triệu người bị bệnh ở Hoa Kỳ là tương đối lớn, nhưng Brazil sẽ giữ vị trí thứ hai trên thế giới.

Nói về dịch bệnh ở Brazil, các trường hợp đầu tiên có mối liên quan chặt chẽ với Hoa Kỳ. Khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Nhà Trắng vào tháng 3, sau cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao của Tổng thống Donald Trump, nhiều thành viên trong phái đoàn đông tới 120 người sau khi trở về Brazil lần lượt bị chẩn đoán nhiễm bệnh, bao gồm cả Tổng thống Bolsonaro, tuy nhiên sau nhiều lần xét nghiệm axit nucleic ông đã được xác nhận an toàn.

Tuy nhiên, thế giới bên ngoài tin rằng Brazil có dân số hơn 200 triệu người đã không được xét nghiệm virus đầy đủ và số người bị nhiễm coronavirus mới trong thực tế cao hơn nhiều số liệu chính thức được chính phủ công bố. Mặc dù châu Âu, châu Á và một số nơi khác ở châu Mỹ đã dần dần dỡ bỏ phong tỏa, nhưng Brazil ở Nam bán cầu bây giờ mới sắp bước vào mùa đông là mùa dịch bệnh. Theo phán đoán, dịch bệnh COVID-19 phải đến tháng 6 mới đạt đến đỉnh điểm ở Brazil.

Do người bị chết vì bệnh nhiều, các nghĩa trang đã phải mai táng trong các huyệt mộ tập thể (Ảnh: Sohu).
Do người bị chết vì bệnh nhiều, các nghĩa trang đã phải mai táng trong các huyệt mộ tập thể (Ảnh: Sohu).

So với các quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng khác, Brazil có tỷ lệ người bệnh ở độ tuổi còn trẻ tử vong vì coronavirus mới cao hơn hẳn. Thống kê cho thấy số người chết vì COVID-19 dưới 60 tuổi ở Brazil chiếm hơn 30%; trong khi ở Tây Ban Nha và Italy, tỷ lệ này chỉ là 5%.

Điều này có thể là do cấu trúc dân số của Brazil trẻ hơn: dân số trên 60 tuổi chỉ chiếm 13%, trong khi người cao tuổi trên 60 tuổi ở Tây Ban Nha và Italy chiếm hơn 25%.

Nhưng Mauro Sanchez, một nhà dịch tễ học tại Đại học Brasilia, cho rằng tỷ lệ dân số không phải là toàn bộ nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi tử vong cao. Những người tuổi còn trẻ ngày càng ít ở nhà, vì điều kiện kinh tế và nhu cầu công việc, họ phải ra ngoài làm việc và tiếp xúc với môi trường lan truyền virus. Những người nghèo thường làm các việc dọn dẹp vệ sinh, nấu nướng và trông trẻ, đó là những việc không thể làm việc từ xa và phải được thực hiện khi ra khỏi nhà.

Cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody's cho rằng suy thoái kinh tế của Brazil có thể nghiêm trọng hơn dự kiến và GDP sẽ giảm 5,2% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1900 đến nay. Triển vọng xếp hạng nợ của Brazil rất khó duy trì ở mức "ổn định".

Trong vài tháng qua, Tổng thống Bolsonaro, người coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu, đã xung đột với các thống đốc bang và các chuyên gia y tế trong chủ trương giãn cách xã hội tại gia. Tuần trước, ông còn tuyên bố các phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện là "dịch vụ cơ bản thiết yếu" và vẫn được mở cửa trong thời gian dịch bệnh.

Ông Bolsorano và những người ủng hộ trong cuộc biểu tình phản đối phong tỏa toàn diện (Ảnh: Sohu).
Ông Bolsorano và những người ủng hộ trong cuộc biểu tình phản đối phong tỏa toàn diện (Ảnh: Sohu).

Giống như ông Trump, Tổng thống Bolsonaro cũng là một người phản đối sách lược phong tỏa toàn diện để chống dịch. Ngay cả khi những trùm xã hội đen Brazil cũng không thể chịu đựng được nữa, quay ra thực hiện các biện pháp tổ chức dân chúng tự cứu, ông Bolsonaro vẫn công khai xuống đường cổ vũ những người ủng hộ chủ trương không thực hiện phong tỏa của ông, bất kể việc giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo giãn cách xã hội của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hôm 20/5, Bộ Y tế Brazil đã phê duyệt phương án điều trị bằng chloroquine, cho phép các bệnh viện công sử dụng chloroquine và hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân nhẹ. Những loại thuốc này đã trở nên nổi tiếng sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến và đích thân "dùng thử nghiệm", nhưng chúng hiện vẫn gây tranh cãi trong cộng đồng y tế và chưa có thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nào khẳng định hiệu quả của chúng. Bolsonaro cũng nói rằng ông đã để lại một hộp hydroxychloroquine cho bà mẹ 93 tuổi của mình sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Hai quyết định này của ông Bolsonaro dường như khiến ông Nelson Teich, Bộ trưởng Bộ Y tế mới bổ nhiệm gần đây không thể chịu đựng được thêm. Nelson Teich lập tức tuyên bố từ chức với lời cám ơn tổng thống đã cho ông cơ hội làm Bộ trưởng và ông đã làm hết sức mình.

Theo truyền thông Brazil, ông Nelson Teich đã từ chức vì bất đồng với Tổng thống Bolsonaro. Ông Nelson Teich cho rằng mọi người nên cách ly ở nhà. Các phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện đã được phép mở cửa trở lại mà không hỏi ý kiến Bộ Y tế và sự bất đồng trong việc sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine để điều trị COVID-19 là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Thuốc chống sốt rét chloroquine được ông Bolsorano khuyến khích sử dụng để điều trị bệnh COVID-19 (Ảnh: Sohu).
Thuốc chống sốt rét chloroquine được ông Bolsorano khuyến khích sử dụng để điều trị bệnh COVID-19 (Ảnh: Sohu).

Điều đáng chú ý, Nelson Teich đã là Bộ trưởng Y tế thứ hai rời khỏi chức vụ trong lúc đang diễn ra đại dịch ở Brazil. Mặc dù vị Bộ trưởng tiền nhiệm là Luiz Mandetta được công chúng đánh giá cao, nhưng ông đã bị cách chức vào giữa tháng 4 vì không thể đạt được nhất trí với ông Bolsonaro về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc từ chối sử dụng hydroxychloroquine, một loại thuốc dùng cho bệnh sốt rét. Bộ trưởng Y tế mới sẽ là tướng quân đội Eduardo Pazulo, một  người không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực y tế.

Sự cố chấp của Bolsonaro, cũng đã khiến người Brazil phải trả giá đắt cho công tác phòng chống dịch bệnh. Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Brazil và số ca bệnh đang liên tục gia tăng ở nhiều nước Nam Mỹ; ông Michael Ryan, giám đốc điều hành của Chương trình khẩn cấp của WHO ngày 22/5 nói, theo một nghĩa nào đó, Nam Mỹ giờ đã trở thành “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Brazil.