|
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có bài phát biểu trước công chúng tại Văn phòng Tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc ngày 7/12. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã xin lỗi về nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành và nói rằng ông sẽ giao lại số phận chính trị và pháp lý của mình cho đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền nhưng chưa từ chức. Theo báo chí trong nước, ông đã trở thành đối tượng điều tra hình sự.
Hôm 9/12, Bộ Quốc phòng cho biết ông Yoon vẫn là Tổng tư lệnh hợp pháp, nhưng khả năng nắm giữ quyền lực của ông đã trở thành vấn đề khi các sĩ quan quân đội cấp cao ngày càng thể hiện quan điểm chống lại Tổng thống, và đảng của ông cho biết sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giải quyết vấn đề từ chức của ông.
Oh Dong-woon, người đứng đầu Văn phòng Điều tra Tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao, cho biết ông đã ra lệnh cấm ra nước ngoài đối với ông Yoon, khi được hỏi tại phiên điều trần Quốc hội về những hành động đã được thực hiện đối với Tổng thống.
Một quan chức Bộ Tư pháp, ông Bae Sang-up, nói với ủy ban rằng lệnh cấm du lịch đã được thi hành.
Ủy ban này được thành lập vào năm 2021 để điều tra các quan chức cấp cao bao gồm tổng thống và các thành viên gia đình họ nhưng không có thẩm quyền truy tố Tổng thống. Thay vào đó, luật pháp Hàn Quốc yêu cầu phải chuyển vấn đề lên văn phòng công tố.
Trong khi ông Yoon sống sót sau cuộc bỏ phiếu luận tội tại Quốc hội hôm 7/12, quyết định của đảng cầm quyền khi trao quyền lực Tổng thống cho Thủ tướng đã đẩy đồng minh chủ chốt của Mỹ vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Ông Yoon đã từ chối những lời kêu gọi từ chức, bao gồm cả một số người trong đảng cầm quyền của ông, và tương lai của ông có vẻ bất ổn hơn vào cuối tuần khi hãng thông tấn Yonhap đưa tin ông đang bị điều tra hình sự vì cáo buộc phản quốc.
Yonhap đưa tin, các công tố viên hôm 8/12 đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun vì bị cáo buộc có vai trò trong việc ban bố tình trạng thiết quân luật vào ngày 3/12.
Trong bối cảnh phản ứng dữ dội ông Yoon, nhiều quan chức quốc phòng, bao gồm cả quyền Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết họ sẽ không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh mới nào để tránh việc áp đặt thiết quân luật một lần nữa.
Đảng Dân chủ đối lập đã kêu gọi tước quyền kiểm soát quân đội của ông Yoon. Đảng này cũng đã yêu cầu bắt giữ ông Yoon và bất kỳ quan chức quân sự nào có liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật.
Một phát ngôn viên hôm đầu tuần cho biết Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông Yoon đã thành lập một đội đặc nhiệm để "ổn định chính trị sau thiết quân luật và việc (ông Yoon) từ chức sớm có trật tự", ngoài những nhiệm vụ khác.
Vào hôm 8/12, lãnh đạo PPP Han Dong-hoon cho biết Tổng thống sẽ bị loại khỏi các vấn đề đối ngoại và nhà nước khác, và Thủ tướng Han Duck-soo sẽ quản lý các công việc của chính phủ.
Đề xuất đó đã vấp phải sự chỉ trích từ phe đối lập, cho rằng điều này là vi hiến. Họ nói rằng ông Yoon phải bị luận tội hoặc từ chức và đối mặt với việc truy tố pháp lý, đồng thời dự định đưa ra một dự luật luận tội khác.
Phản ứng từ quân đội
Lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung hôm 9/12 cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chính trị có nguy cơ gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, cũng là nhà cung cấp chip nhớ lớn trên toàn cầu.
Bộ Tài chính và cơ quan quản lý Hàn Quốc cho biết họ sẽ nỗ lực hết sức để ổn định thị trường tài chính bằng cách triển khai các kế hoạch dự phòng và tăng cường thanh khoản vào cuối tháng 12.
Trong dấu hiệu bất đồng mới nhất trong hàng ngũ quân đội, chỉ huy lực lượng đặc biệt của Hàn Quốc cho biết ông được lệnh cử quân vào Quốc hội trong tuần trước để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu bác bỏ thiết quân luật.
Đại tá Kim Hyun-tae, sĩ quan chỉ huy của Nhóm Đặc nhiệm 707, nói với các phóng viên rằng ông chịu trách nhiệm về hành động của quân đội nhưng bản thân ông chỉ hành động theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Kim Yong-hyun.
“Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân bị cựu Bộ trưởng Quốc phòng lợi dụng”, vị Đại tá nói với các phóng viên bên ngoài Bộ Quốc phòng ở Seoul.
Ông cho hay ông đã không thông báo với quân đội về kế hoạch phỏng vấn với giới truyền thông vì lo sẽ bị ngăn cản.