Tổng số ca nhiễm COVID-19 vượt mốc 30 triệu, WHO cảnh báo "đà lây lan đáng báo động" ở châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua con số 30 triệu trong hôm 18/9, giữa lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về “tỷ lệ lây truyền đáng báo động” trên khắp châu Âu và cảnh báo về việc rút ngắn thời gian cách ly.
Một trường học ở Rome, Italy mở cửa trở lại trong hôm đầu tuần này (Ảnh: AP)
Một trường học ở Rome, Italy mở cửa trở lại trong hôm đầu tuần này (Ảnh: AP)

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nói rằng đợt bùng phát dịch trong tháng 9 “nên được xem là hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta”, sau khi châu Âu hồi tuần trước ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày kỷ lục – 54.000 ca. “Mặc dù con số này phản ánh rằng việc xét nghiệm đã hoàn thiện hơn, nhưng nó cũng cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động trong toàn khu vực”; ông Kluge nói trong một cuộc họp báo ở Copenhagen.

Hơn 30 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận và hơn 940.000 người đã tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Trung Quốc hồi cuối năm ngoái; theo dữ liệu mới nhất mà ĐH Johns Hopkins công bố. Châu Âu hiện có 4,7 triệu ca nhiễm. Trên khắp châu Âu, Chính phủ các nước đang chật vật ngăn chặn số ca nhiễm mới tăng đột biến, cùng lúc muốn tránh gây thêm tổn thất đối với nền kinh tế và tránh áp đặt thêm các lệnh hạn chế mới trên phạm vi rộng.

Ở Anh, các biện pháp mới đã có hiệu lực từ ngày 18/9, trong đó Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo rằng các quán bar có thể buộc phải đóng cửa sớm để tránh “mức tăng đột biến” các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới. Người dân vùng Đông Bắc nước Anh – bao gồm các thành phố Newcastle và Sunderland – sẽ không còn được gặp gỡ người thân, bạn bè bên ngoài nhà của họ.

Chính phủ Anh, đang đối mặt với nhiều chỉ trích về thiếu khả năng xét nghiệm, đã áp đặt các quy định trên khắp cả nước từ hôm đầu tuần này, trong đó hạn chế tụ tập trên 6 người, sau khi chứng kiến mức tăng đột biến số ca nhiễm mới. Đến nay, Anh vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu với gần 42.000 ca tử vong do COVID-19.

Ở Tây Ban Nha, chính quyền thành phố Madrid lại hủy kế hoạch phong tỏa mới, và thay vào đó sẽ hạn chế “di chuyển và tiếp xúc” ở các khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Trong khi đó, Áo tuyên bố rằng việc tụ tập trong nhà sẽ bị hạn chế dưới 10 người, bao gồm các bữa tiệc, sự kiện tư nhân và các cuộc gặp gỡ trong nhà. Thủ tướng Sebastian Kurz trước đó cảnh báo rằng quốc gia này đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai.

Bên ngoài châu Âu, Israel đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên phải thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai, bắt đầu từ tối ngày 18/9. Chính phủ nước này kêu gọi hàng trăm công dân của họ đang bị mắc kẹt ở biên giới với Belarus trở về nhà. Khoảng 2.000 người hành hương Hồi giáo, chủ yếu từ Mỹ, Israel và Pháp, đã tập trung ở khu vực biên giới này – vốn đã bị phía Ukraine đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của COVID-19.

Trong bình luận khác, WHO khu vực châu Âu nói rằng họ sẽ thay đổi các hướng dẫn về khoảng thời gian cách ly 14 ngày đối với những người nhiễm COVID-19.

Khuyến cáo mới “dự trên sự hiểu biết của chúng tôi về thời gian ủ bệnh và sự lây lan của dịch bệnh. Chúng tôi sẽ chỉ xem xét nó trên cơ sở thay đổi sự hiểu biết của chúng tôi về khoa học”; quan chức chương trình khẩn cấp của WHO châu Âu Catherine Smallwood nói.

Pháp hiện nay đã giảm khoảng thời gian cách lý xuống chỉ còn 7 ngày, trong khi ở Anh và Ireland là 10 ngày. Một số quốc gia châu Âu, như Bồ Đào Nha và Crotia, cũng đang xem xét rút ngắn thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19.

Trong bối cảnh thảm kịch COVID-19 tiếp diễn, Chính phủ nhiều nước cũng đối diện với các hành động pháp lý từ chính công dân của họ, do thất bại trong phòng chống dịch.

Một hiệp hội các nạn nhân COVID-19 ở Pháp đang lên kế hoạch khởi kiện Thủ tướng Jean Castex liên quan tới việc ứng phó đại dịch; luật sự của hiệp hội này cho hay. Nhóm gồm 200 thành viên cho rằng Chính phủ Pháp đã làm không tốt trong công tác chống dịch.