Tổng đài 0511.1022 “cháy máy” ngày tắt sóng truyền hình analog

Tổng đài 0511 1022 đã tiếp nhận 821 cuộc gọi đề nghị giải đáp thông tin liên quan đến số hóa truyền hình trong ngày tắt sóng mềm truyền hình analog (15/6/2016), trước đó trong ngày 14/6 con số này là 613 cuộc gọi, ngày 13/6 là 450 cuộc.
Nhu cầu giải đáp thông tin về số hóa truyền hình của người dân tăng vọt trong ngày tắt sóng mềm truyền hình analog.
Nhu cầu giải đáp thông tin về số hóa truyền hình của người dân tăng vọt trong ngày tắt sóng mềm truyền hình analog.

Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, trong mấy ngày sát thời điểm tắt sóng truyền hình analog, số lượng cuộc gọi của người dân các tỉnh, thành gọi về số 0511 1022 để hỏi thông tin tăng lên khá nhiều so với trước đây. Sở TT&TT Đà Nẵng đã chủ động tăng số lượng bàn tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu giải đáp thông tin cho người dân.

Theo số liệu thống kê của Sở TT&TT Đà Nẵng, các cuộc gọi đến từ khắp các tỉnh thành Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Nai, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang… trong đó có cả những cuộc gọi đến từ các tỉnh chưa triển khai số hóa truyền hình như Lào Cai, Tuyên Quang. Trong đó, số lượng các cuộc gọi từ Hà Nội chiếm khá lớn. Trong ngày ngắt sóng truyền hình analog, cuộc gọi sớm nhất hỏi về số hóa truyền hình là vào lúc 7h34 và cuộc gọi muộn nhất là vào lúc 22h02.

Thông tin người dân hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Thế nào là tắt sóng mềm, hỏi địa chỉ mua đầu thu ở đâu, đang dùng truyền hình IPTV hay cáp có phải mua đầu thu khác không, nếu đã mua tivi đời mới rồi thì thu xem truyền hình bằng cách nào… Nhiều nhất là số lượng cuộc gọi hỏi về việc khu vực người dân đang sinh sống có bị ngắt sóng truyền hình không và phải thu xem thế nào, đi mua đầu thu ở đâu, số lượng các kênh truyền hình sẽ bị ngắt sóng…

Đặc biệt có một số người dân sau khi nhận được tin nhắn của Bộ TT&TT thông báo về thời hạn ngắt sóng truyền hình qua điện thoại đã gọi đến tổng đài đề nghị giải đáp thêm, vì nội dung tin nhắn viết không dấu nên có một số người chưa hiểu được nội dung. Ví dụ, nhiều người dân ngay tại Hà Nội cũng thắc mắc không hiểu “truyen hinh tuong tu” (truyền hình tương tự) là cái gì?

Có thể nói việc tuyên truyền cho người dân về thời điểm tắt sóng truyền hình analog, số lượng kênh bị ngắt sóng và hướng dẫn cách thu xem truyền hình số là việc rất cần phải chú trọng khi triển khai số hóa truyền hình.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng chú trọng đến khâu tuyên truyền. Theo một nghiên cứu của TNS, ở khu vực miền Tây Nam Bộ số lượng dân đang xem truyền hình tương tự biết đến số hóa truyền hình nhiều hơn các tỉnh miền Bắc. Tỉnh có kết quả cao nhất là An Giang (90%) và thấp nhất là Hòa Bình (33,1%). Tại nhiều tỉnh miền Bắc còn tới gần một nửa số lượng người dân đang xem truyền hình analog chưa biết đến số hóa truyền hình, trong khi chỉ còn 14 ngày nữa là tắt sóng truyền hình analog. 

Cụ thể, nhóm các tỉnh có tỷ lệ người xem truyền hình analog biết về số hóa truyền hình ở mức thấp có: Hà Nội chỉ có 53,1% số người dân đang sử dụng truyền hình analog biết về số hóa truyền hình, 46,9% số người không biết. Con số này ở Bắc Ninh là 42,7%, Hưng Yên là 43,2%, Hà Nam là 45,9%, Vĩnh Phúc là 48%, Hòa Bình là 33,1%, Hải Phòng là 46,1%, Hải Dương là 39,1%, Bắc Giang là 52,3%, Quảng Ninh là 52,9%, Hồ Chí Minh là 45,3%, Đồng Nai là 50,1%.

Nhóm các tỉnh có số người được khảo sát biết về số hóa truyền hình ở mức cao gồm: Bình Dương là 67,8%, Long An là 72,9%, Tiền Giang là 66%, Cần Thơ là 88,8%, Vĩnh Long là 82,2%, Bến Tre là 80%, Hậu Giang là 85%, Sóc Trăng là 82,8%, Trà Vinh là 65,3%, Kiên Giang là 65%. Tỉnh có tỷ lệ người biết về số hóa truyền hình cao nhất trong số các tỉnh được khảo sát là Đồng Tháp với 90%,

Khảo sát này chỉ tiến hành tại các hộ gia đình đang xem truyền hình analog quảng bá, không đánh giá trên các hộ đang dùng các phương thức truyền hình khác.

Theo ICT News