|
Hàng loạt tài xế Grab đóng app, biểu tình yêu cầu làm rõ chính sách thuế. |
Tổng cục Thuế chỉ rõ, Grab chưa cung cấp đủ thông tin chứng minh quy định tăng giá và mức thuế áp dụng đối với tài xế là do ảnh hưởng từ Nghị định 126. Cơ quan này khẳng định, quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân.
Tổng cục Thuế dẫn lại quy định điểm c, khoản 5, Điều 7 Nghị định 126: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh. Đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh”.
Do đó, quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế. Các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grab sẽ phải tiến hành khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế không đổi là 10%. Các doanh nghiệp có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân 1,5% cho các tài xế hợp tác. Đối tác tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Chính sách thuế được quy định tại Nghị định này không làm tăng giá cước vận tải.
Từ đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty TNHH Grab thận trọng trong phát ngôn khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động của Nghị định 126. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế tại Việt Nam, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Trước đó, lãnh đạo Grab Việt Nam đã đưa ra giải thích: "Sự hợp tác giữa Grab và tài xế 2 bánh dựa trên việc khai thác các thế mạnh, nguồn lực của các chủ thể độc lập và bảo đảm quyền tự chủ khi tham gia hợp tác của mỗi bên. Trong đó, Grab chỉ là bên cung cấp dịch vụ kết nối cho các tài xế xe 2 bánh theo mô hình kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử mà công ty đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tài xế xe 2 bánh là người trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và hưởng phần lớn doanh thu. Grab được hưởng phí dịch vụ kết nối là 20% doanh thu cuốc xe".
Đơn vị này cho hay, Tổng cục Thuế đã công nhận và hướng dẫn xác định thuế GTGT theo nguyên tắc, phần doanh thu của Grab phải chịu thuế 10%. Trong văn bản đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ các vấn đề về nghĩa vụ thuế đối với doanh thu của tài xế xe 2 bánh, Grab kiến nghị: "Việc xác định đối tượng nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế GTGT, mức thuế, và đặc biệt là việc khấu trừ đầu vào đối với phần doanh thu của tài xế xe 2 bánh, phải được bảo đảm thực hiện theo đúng các quy định của Luật thuế GTGT".
Tuần qua, hàng trăm tài xế ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã tắt app khi Grab tăng giá cước và tăng tỷ lệ khấu trừ từ ngày 5/12. Các tài xế Grab khẳng định doanh thu đã giảm từ 1-2% trên các cuốc xe trong ngày từ khi áp dụng chính sách trên. Các tài xế cho hay, việc điều chỉnh tăng giá cước cũng khiến khách hàng ưu tiên sử dụng dịch vụ của hãng khác, gián tiếp làm giảm nguồn thu của tài xế khi lượng cuốc xe giảm xuống. Trên mạng xã hội, cộng đồng tài xế Grab cả nước đang kêu gọi đình công hàng loạt, đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh lại quy định.