Tổng cục Thống kê: GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08%

VietTimes -- Sáng 29/6, Tổng cục thống kê đã công bố thông tin về tình kinh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, Tổng Cục thống kê cho biết GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ 2011 trở lại đây.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành thủy sản đạt mức tăng 6,41%; đóng góp 0,21 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,12%; đóng góp 0,04 điểm phần trăm đóng góp vào mức tăng chung.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%, đóng góp 2,63 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,90%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây. Trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,58%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,02%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,67%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,12%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%; khu vực dịch vụ chiếm 41,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,25% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2017 là: 15,06%; 32,75%; 41,82%; 10,37%).

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29%

Theo thông báo của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua.

Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% trong khi nhóm lương thực giảm 0,45%. Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm giáo dục tăng 0,11% (dịch vụ giáo dục tăng 0,15%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% so với tháng trước.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.