Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông nói gì về “lợi ích nhóm” và bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

VietTimes – Bên lề cuộc gặp gỡ với báo chí tại Câu lạc bộ Cafe Số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam), giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên VietTimes về hai vấn đề nóng hổi hiện nay là “lợi ích nhóm” trong việc phát hành sách giáo khoa và những tranh cãi xung quanh bộ sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hiện là Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hiện là Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông

- Xin chào giáo sư, dư luận xã hội hiện nay râm ran rằng có “lợi ích nhóm” trong việc phát hành các bộ sách giáo khoa của các nhóm làm sách. Là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, ông nhận xét gì về điều này?

- Tôi nghĩ nói “lợi ích nhóm” là hơi lạm dụng từ ngữ. Tất nhiên có một vài người cá biệt nhưng số đông không phải như vậy. Chủ yếu là các nhà xuất bản, họ kinh doanh bằng tiền của họ là chính, nên họ phải làm sao để có lãi. Vấn đề ở đây là phải thẩm định, chọn lựa sách giáo khoa một cách công khai, minh bạch, đúng luật.

Bộ Giáo dục Đào tạo đã có những thông tư quy định về tiêu chuẩn của thành viên hội đồng thẩm định, tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định. Thứ nhất, những người là thành viên của hội đồng thẩm định không được liên quan đến một tổ chức viết sách giáo khoa nào. Ví dụ anh ta có thể là một chuyên gia, nhưng trường của anh ta đang đứng ra làm một bộ sách mới, thì anh ta sẽ không được thẩm định bất kỳ quyển sách giáo khoa nào trong bộ sách phổ thông mới. Thứ hai, phải chọn những người có chuyên môn, hiểu về giáo dục phổ thông. Thứ ba, phải là người có tính trung thực cao. Thứ tư là hội đồng thẩm định phải đa dạng, không chỉ có những giáo sư của môn học, mà còn có cả các giáo viên đang đứng lớp. Số giáo viên này được quy định phải chiếm 30%. Họ ở các tỉnh thành về nên họ cũng chẳng quen ai để mà có lợi ích nhóm.

Đó là về nguyên tắc, còn trên thực tế hội đồng nào cũng sẽ có những người làm không đúng chức trách của mình. Vấn đề ở đây là chúng ta phải có sự giám sát của đơn vị tổ chức thẩm định – đó là các Vụ của Bộ Giáo dục Đào tạo, rồi có sự phản ánh của những người liên quan đối với Bộ, với báo chí để giám sát cho tốt.

Thực ra cũng có một vài trường hợp “đi đêm với nhau” xảy ra trong thực tế. Vấn đề làm sao chúng ta có được giải pháp để xử lý những trường hợp đó.

- Xin giáo sư cho ý kiến về bộ sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Bộ sách này đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau trong thời gian vừa qua. Dưới góc nhìn của chuyên gia ngôn ngữ, giáo sư đánh giá thế nào về phương pháp đánh vần của bộ sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục?

- Tôi tôn trọng kết quả nghiên cứu của tất cả mọi người. Mọi kết quả nghiên cứu sẽ được thực tế thử thách. Nếu anh khỏe, ra gió anh không sợ ốm, còn không khỏe thì ra gió là ốm ngay.

Còn riêng về bộ sách công nghệ giáo dục, lâu nay tôi không có thời gian theo dõi về bộ sách này nên không thể đưa ra đánh giá cụ thể.

- Trên thế giới có những chương trình thực nghiệm tương tự không thưa giáo sư?

- Trước khi làm giáo dục người ta phải thực nghiệm, trước khi làm bất cứ điều gì phải thực nghiệm là chuyện bình thường. Còn có một chương trình tương tự như công nghệ giáo dục thì tôi chưa thấy.

- Giáo sư có nói rằng chi phí cho chương trình đổi mới sách giáo dục phổ thông mà giáo sư đang là Tổng Chủ biên chỉ là 144 tỷ đồng, bằng 180 mét chiều dài đường Kim Liên – Ô chợ dừa, hay bằng 600 mét đường cao tốc Bắc Nam mà thôi. Tại sao lại có chi phí rẻ đến như vậy, trong khi dư luận đang nghi ngờ con số này lớn hơn nhiều?

- Toàn bộ chương trình đổi mới sách giáo dục phổ thông có nguồn kinh phí là 80 triệu USD, trong đó phần lớn là vốn vay của ngân hàng thế giới và quản lý theo quy trình chặt chẽ. Có ý kiến cho rằng chúng tôi nghĩ ra dự án để ăn tiền. Tôi phải tâm sự thật rằng có phải tiền chui vào túi mấy người làm chương trình đâu. Ngân hàng thế giới quản lý chặt lắm. Họ đề nghị trả lương cho người làm chương trình để có được chương trình tốt nhất. Vì thế có những anh em từ miền Nam, Cần Thơ bay ra Hà Nội để làm. Có những đợt tuần nào cũng ra họp, thì coi như chẳng có đồng nào”.

Về con số 144 tỷ đồng, trong chương trình này còn một cấu phần nữa để tổ chức viết bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT thì có chi phí lớn hơn một chút. Còn có hai chi phí khác là xây dựng Trung tâm Phát triển Chương trình và Trung tâm Khảo thí, nhưng điều kiện hiện nay chưa làm được hai trung tâm này. Nếu báo chí muốn có chi tiết thông tin về kinh phí của dự án thì hãy xem lại những bài báo viết trong ngày 19/12/2017, trong buổi khởi động dự án Giám đốc dự án đã báo cáo rồi. Còn tôi chỉ là Chủ biên, Giám đốc kỹ thuật của dự án, tôi chỉ biết vấn đề kỹ thuật. Còn các vấn đề về nhân sự, về các chi phí thì đó là việc của Ban Quản lý dự án.

- Xin cảm ơn giáo sư!