Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể của bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện 108

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong ký ức của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người gần gũi, chân thành, luôn quan tâm đến cuộc sống của các thầy thuốc.

z5659068181356_a4b8995a91b5d7a98cbd1c1db6cbd374.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (1/4/1951-1/4/2021)

Làm việc đến phút cuối cùng

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là nơi vinh dự được chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là nơi đã tiễn đưa ông những phút cuối cùng vào chiều 19/7/2024.

Thiếu tướng, GS.TS. Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết: Để chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã mời các chuyên gia y tế hàng đầu trong và ngoài nước hội chẩn, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho ông.

“Trong suốt quá trình điều trị bệnh, Tổng Bí thư luôn yên tâm, tin tưởng vào trình độ, trí tuệ, tâm huyết và phác đồ điều trị từ các chuyên gia y tế và các thầy thuốc của Bệnh viện. Sau mỗi lần Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương hội chẩn, xin thông qua với Tổng Bí thư phương án điều trị, sử dụng các kỹ thuật chăm sóc, Tổng Bí thư đều nói vui: “Tuân chỉ”. Điều ấy giúp chúng tôi tự tin hơn, bao mệt mỏi cũng tan biến với mong muốn được chăm sóc Tổng Bí thư một cách tốt nhất” - Thiếu tướng Lê Hữu Song thông tin.

VT_ GD S.jpg
Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Theo Thiếu tướng Lê Hữu Song, trong quá trình điều trị, Tổng Bí thư luôn cố gắng, tập từng bước để sức khỏe có thể bình phục trở lại. Ông là người có trách nhiệm, kiên cường vượt qua những khó khăn về sức khỏe để cống hiến. Là vị lãnh đạo cao cấp của Đảng nhưng không bao giờ Tổng Bí thư cho mình đứng ở vị trí cao, mà luôn gần gũi với mọi người.

Bởi thế, các cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 không chỉ vinh dự được chăm sóc ông, mà còn học hỏi được nhiều điều từ Tổng Bí thư. Sự ra đi của Tổng Bí thư khiến các thầy thuốc của Bệnh viện như mất đi một người ruột thịt trong gia đình.

Trong những ngày cuối đời, Tổng Bí thư vẫn duy trì cường độ làm việc. Mặc dù Hội đồng chuyên môn đã tiên lượng được sức khỏe của Tổng Bí thư, nhưng vẫn vô cùng bất ngờ trước sức làm việc của ông.

“Ấn tượng đó khiến chúng tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé. Tổng Bí thư đã truyền lại cho chúng tôi năng lượng để chúng tôi tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa” - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kể.

VT_BS.jpg
Đại tá PGS.TS Nguyễn Phương Đông – bác sĩ trực tiếp điều trị cho Tổng Bí thư

Là người trực tiếp chăm sóc cho Tổng Bí thư nhiều năm qua, PGS.TS. Nguyễn Phương Đông (Khoa Bảo vệ, chăm sóc khỏe cán bộ Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - chia sẻ: Cho đến những ngày cuối đời, Tổng Bí thư vẫn duy trì lịch làm việc: Khoảng 9h- 9h30 sáng, Tổng Bí thư nghe các trợ lý, thư ký báo cáo tình hình công việc. Từ sau 10h30 và buổi chiều, Tổng Bí thư dành thời gian tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi nào thấy sức khỏe tốt, Tổng Bí thư ngồi đọc tài liệu, nghiên cứu tài liệu.

“Ông làm việc cho tới hơi thở cuối cùng. Ngày 13/7, ông vẫn làm việc nhưng chiều chúng tôi phải đặt ống thở máy.” - PGS.TS. Nguyễn Phương Đông kể. Giây phút biết không thể cứu Tổng Bí thư, PGS.TS. Nguyễn Phương Đông và cán bộ Bệnh viện cảm thấy đau đớn, xót xa như sắp xa một người thân ruột thịt, nhiều người đã bật khóc..

Kỷ niệm đẹp về "bệnh nhân đặc biệt"

VT_ y tá.jpg
Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng (Khoa Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ TW) là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Là điều dưỡng trực tiếp chăm sóc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 4-5 năm qua, trong ấn tượng của Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng, Tổng Bí thư là người rất chân thành, luôn quan tâm đến cuộc sống của các thầy thuốc phục vụ ông.

"Ông thường xuyên hỏi thăm con cái chúng tôi đi học thế nào, các cháu bao tuổi, có khó khăn gì không, đặc biệt, ông luôn dành cho chúng tôi sự thông cảm, sẻ chia như người thân trong gia đình" - chị Hồng nhớ lại.

Điều dưỡng Hồng nghẹn ngào nhắc về những thói quen sinh hoạt hàng ngày của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Món ăn ưa thích nhất của ông là sữa chua, nên dù có bớt lại cơm hay thức ăn trong khẩu phần, lúc nào ông cũng ăn hết phần sữa chua. Đặc biệt, Tổng Bí thư rất thích ăn kẹo lạc mầm. Trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có lọ kẹo. Mỗi khi các y, bác sĩ ngồi quanh Tổng Bí thư nghe kể chuyện, ông đều mời mọi người thưởng thức.

Tổng Bí thư cũng là người hài hước, hay đọc thơ. Sau những lúc căng thẳng vì công việc, đôi lúc ông chia sẻ về tình yêu mộc mạc, giản dị, hoặc đọc những vần thơ da diết: “Nhớ ai, nhớ mãi thế này/ Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn”…

Những lúc Tổng Bí thư tập thể dục vào sáng sớm và buổi tối, hay khi ông đi bộ dọc hành lang bệnh viện, Tổng Bí thư rất thích hát “Bài ca Bắc Sơn”. Khi đó, anh em trong ca trực đều vui vẻ tập cùng ông và hát vang “Bắc Sơn nơi đó xa trường xưa, Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu…”, không khí rộn rã cả góc hành lang.

Nhưng giờ đây, đôi chân dẻo dai tập thể dục mỗi ngày cuối cùng cũng đã không thể bước tiếp được nữa. Những lời hát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn văng vẳng trong trí nhớ của mỗi thầy thuốc được trực tiếp chăm sóc ông... Tất cả, dường như vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ mỗi người...

Chiều 19/7, theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành… tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng ông đã từ trần hồi 13h38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thông báo quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức Quốc tang.

Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 07 giờ 00 phút đến 22 giờ 00 phút ngày 25 tháng 7 năm 2024 và từ 07 giờ 00 phút đến 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ 00 phút cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hai ngày Quốc tang (25/7/2024 và 26/7/2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.