|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại lễ trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ: “Trong suốt hơn 55 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà từng bước trưởng thành và phấn đấu làm được một số việc. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi đã làm là vô cùng nhỏ bé so với công lao giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đảng viên đi trước; sự cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những cơ quan - nơi tôi từng học tập, công tác và làm việc”.
Tổng Bí thư nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai A.Ostrovsky như để nói thay tâm sự của lòng mình: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân”; “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”,... và lời thơ của Nhà thơ Tố Hữu: “Còn một giây, một phút tàn hơi/ Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”
Những lời tâm sự chân tình, mộc mạc, khiêm nhường và đầy tâm huyết, trách nhiệm với Đảng với dân của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói lên nhân cách của một người cộng sản chân chính.
Ngay sau khi BCH TƯ Đảng khoá XII họp Hội nghị lần thứ nhất (Ngày 27/1/2016) để bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư và ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ mới, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã chia sẻ trên báo Quân đội Nhân dân số ra ngày hôm sau: “Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định”.
PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói (với VietTimes chiều 18/7/2024): “Là người chiến sỹ cộng sản trong hành trình hơn nửa thế kỷ qua, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;” tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí; trong công việc luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học, quyết đoán, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân; được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng, yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành. Đồng chí là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên chúng ta học tập, noi theo”.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, các nhà nghiên cứu đều coi Người đứng đầu Đảng ta - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo”.
Trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó như Ủy viên BCH TƯ Đảng từ khóa VII đến khóa XIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khóa XI đến nay, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương nói với VietTimes: “Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt,” đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững”.
Còn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Là ngọn cờ lý luận của Đảng, đồng chí đặc biệt quan tâm xác định tầm nhìn chiến lược của Đảng và dân tộc; coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xác định đó là nguyên tắc cơ bản, nền tảng vững chắc của Đảng ta, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, dân tộc ta, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.”
Một con người khiêm nhường
Tôi có may mắn là được gặp và trò chuyện với khá nhiều người thân thiết cũng như những người từng làm việc dưới quyền ông Nguyễn Phú Trọng. Tất cả đều có chung nhận xét rằng, ông là người thủy chung, nghĩa tình với bạn bè, đồng chí, đồng đội.
GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của công nghệ giáo dục, người bạn thân thiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lần nói với tôi: ông Trọng là một nhân cách lớn. Nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng đội, sống liêm khiết, trong sạch, nhưng rất ghét thói xa hoa, bòn rút của công, bè phái, cánh hẩu.
Năm 2011, trong một dịp về công tác tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nơi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng theo học, tình cờ chúng tôi đã được lãnh đạo nhà trường cho xem cuốn nhật ký của một cựu học sinh của trường đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tên anh là Doãn Duy Lực. Điều thú vị là trong cuốn nhật ký này có hai bức thư: một thư Doãn Duy Lực gửi cho người bạn thân của mình là Nguyễn Phú Trọng. Bức kia là của Nguyễn Phú Trọng gửi cho Doãn Duy Thế, anh trai của Doãn Duy Lực.
Lá thư của Doãn Duy Lực gửi Nguyễn Phú Trọng đề ngày 8/6/1964, viết: “Phú Trọng thân yêu, thương nhớ! Nhìn lại dòng chữ nét mực còn tươi màu, Lực tưởng tượng lại cả một quá khứ xa xôi mà trong 6 năm qua chúng ta đã gắn bó, đùm bọc lẫn nhau trong những giây phút đáng ghi nhớ… Mình đã đặt tình bạn ấy cao nhất song vì điều kiện rất đơn giản của cuộc sống buộc chúng ta phải ly tán mỗi đứa một phương. …”.
Bức thư của Nguyễn Phú Trọng gửi Doãn Duy Thế đề ngày 1/8/1964. Khi ấy ông Nguyễn Phú Trọng đang là sinh viên năm thứ 2, văn khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bức thư được viết trên trang giấy lấy từ cuốn sổ tay, nét chữ nắn nót, nhỏ, đẹp (được ghim vào cuốn nhật ký của Nguyễn Duy Lực), viết: “Anh Thế kính yêu của em! Có lẽ anh hết sức ngạc nhiên khi nhận được lá thư của đứa em chưa quen biết này. Em giới thiệu em với anh nhé. Em là Trọng (Nguyễn Phú Trọng) là người bạn, người đồng chí rất thân thiết của Lực. Hai đứa chúng em đã quen nhau, đã thân nhau được hơn 6 năm nay, lúc nào cũng kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau và đã coi nhau như anh em ruột thịt. Hoàn cảnh em cũng tương tự như hoàn cảnh Lực. Gia đình cũng túng thiếu nghèo đói từ xưa, cuộc đời học sinh của chúng em cũng gian khổ, vất vả…
… Lực có bảo em đến thăm anh, anh hãy coi em như Lực nhưng vì điều kiện chưa thể đến được, em mong anh thông cảm, và hôm nay em viết thư này để anh khỏi bỡ ngỡ khi anh thấy em đến, hỏi thăm sức khỏe của anh. Một thiếu sót rất lớn là em với Lực thân nhau đã lâu mà em ít đến thăm anh, nhất là thời gian anh bị mệt mà em chỉ biết anh, hỏi thăm anh qua Lực. Anh tha lỗi cho em nhé”.
Không lâu sau khi nhận được bức thư của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Doãn Duy Lực hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại chiến trường. Cuốn nhật ký của liệt sĩ Lực đã được các đồng đội của ông gìn giữ và sau đó mang ra Bắc trao tận tay cho gia đình. Sau đó gia đình liệt sĩ Lực trao tặng trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Sau này học xong, ra trường và về làm tại Tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng luôn được cấp dưới nể phục và kính trọng.
“Ông là người nghiêm khắc trong nghề nghiệp, có lý tưởng. Điều đáng kính trọng ở ông là sự tận tâm với công việc. Là người từng nhiều năm được làm việc dưới quyền ông, được ông dìu dắt, chỉ bảo, chúng tôi học được rất nhiều ở ông tính chuyên cần, cẩn trọng, cần kiệm” - ông Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ với VietTimes.
Khi đã trở thành Chủ tịch Quốc hội ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là cán bộ cấp cao mẫu mực, sống trong sáng và liêm khiết. GS TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có lần kể với báo giới tại sảnh Tòa nhà Quốc hội, ông nhận được Thiếp mời cưới con của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng, nhưng đã qua ngày đám cưới. Ông cứ trách người trợ lý của Chủ tịch: “Anh đưa thiếp mời cho tôi chậm quá. Dù sao tôi cũng là cấp dưới và lại là chỗ thân tình với anh Trọng. Không đi dự đám cưới con anh ấy được tôi áy náy quá”.
Người trợ lý cười: “Anh không đọc kỹ à? Đấy là thiếp báo hỷ. Anh Trọng dặn tôi là qua ngày cưới rồi hẵng đưa cho anh!”
Tầm nhìn chiến lược về quốc phòng xuất sắc
Thuở sinh thời, trong một lần trò chuyện với tôi (đầu tháng 6 năm 2021), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kể về tầm nhìn chiến lược xuất sắc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Vịnh kể: “Sau khi được sự đồng ý của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chúng tôi đăng ký làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư đồng ý ngay. Đó là ngày 14/2/2012: cuộc gặp đầu tiên khi ông đảm nhiệm chức Tổng bí thư.
Sau khi nghe tôi trình bày, rồi có cả lục vấn ông về sự cần thiết phải ra một Chiến lược để định hướng cho toàn hệ thống chính trị trong đó có việc xây dựng một chiến lược quốc phòng. Ông không trả lời mà tủm tỉm cười: “Tôi là người ngoại đạo, tôi xem cái đã. Sau khi xem tôi mới trả lời được. Nhưng nghe qua anh nói thì tôi thấy có một số vấn đề như này…”
Và ông giảng cho ông Vịnh bài đầu tiên về thế nào là việc đúc rút tư tưởng thành lí luận của những hoạt động cụ thể trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Từ lĩnh vực quân sự quốc phòng thuần túy chuyển sang lĩnh vực chính trị như thế nào. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ngồi ghi chép rất kỹ. Ông đưa 13 câu hỏi và đồng thời tự trả lời một số câu hỏi, ông Vịnh ghi chép kỹ sau đó chia tay ông về.
Khi về đọc lại 13 vấn đề ông đặt ra, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng nhóm soạn thảo rất mừng và cũng rất ngạc nhiên vì ông là người chưa qua môi trường chiến tranh và chưa tham gia quân đội, nhưng những vấn đề ông đưa ra đều “trúng huyệt”, điều hơi đáng tiếc là toàn những việc mình đang yếu, là những vấn đề còn tồn tại.
Từ chỉ đạo của Tổng bí thư, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và đồng đội mạnh dạn soạn thảo hai văn kiện: văn kiện thứ nhất là “Ý kiến của Tổng Bí thư về 13 vấn đề đối với quân sự quốc phòng Việt Nam”. Văn kiện thứ hai là công văn của Quân ủy xin “Đề nghị xây dựng Chiến lược Quân sự quốc phòng”.
Đó là năm 2013, văn kiện dự kiến sẽ trình Bộ chính trị xin chỉ đạo xây dựng Chiến lược quân sự quốc phòng.
Vài tuần sau đó, ông Vịnh xin gặp Tổng bí thư, dự định trình hai văn bản là 13 ý kiến chỉ đạo đã được biên tập, chỉnh lý lại và bản nháp một công văn trình Bộ Chính trị. Tổng bí thư cầm rồi nói: “Hôm nay tôi trả bài cho anh, hôm trước tôi về nghiên cứu ý kiến của các anh, thấy có một số ý kiến như này…”. Ông Nguyễn Phú Trọng nói lại từ đầu và ông Vịnh lại ngồi hí hoáy ghi chép lại. Sau đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xin lại văn kiện 13 vấn đề mà ông Vịnh đã ghi chép vì thấy có những vấn đề chưa ổn, thiếu nhiều.
Thấy những gì đang thiếu thì Tổng bí thư đã nói hộ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ngồi nghe rồi báo cáo: “Thế thì em xin phép anh rút lại 2 văn kiện”, rồi về bổ sung, chỉnh sửa, trong đó có nhiều chủ trương mà Việt Nam hay tuyên bố với thế giới về chính sách quốc phòng của Việt Nam bằng những câu kiểu như “Bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa”, hay “Chính sách quốc phòng Việt Nam là hòa bình tự vệ”; rồi “Ba không”.