Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là mẫu người “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”

VietTimes -- Quốc hội đã bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ uy tín của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong lại lên cao như vậy. Ông thực sự là mẫu người “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bên hành lang Quốc hội sáng 23/10. Ảnh: Ngọc Thắng/VnExpress
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bên hành lang Quốc hội sáng 23/10. Ảnh: Ngọc Thắng/VnExpress

“Đã vay dòng máu thơm thiên cổ”

Đầu năm 2018, khi nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khiêm nhường: “Suốt 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà có làm được một số việc và từng bước trưởng thành. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi làm được là vô cùng nhỏ bé so với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đi trước; sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những nơi tôi từng sinh sống, công tác, học tập, làm việc”.

Điểm lại quá trình học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của mình, Tổng Bí thư chia sẻ một điều mà ông luôn tâm niệm, đó là “phải học, học nữa, học mãi, như cách nói của cha ông là phải học ăn, học nói, học gói, học mở, nghĩa là học tập suốt đời, học làm người chứ không phải học để làm chức nọ, chức kia”. Ông bảo, ông luôn trăn trở một điều là “đã làm được gì nhiều đâu, còn nợ nhiều lắm".

"Đã vay dòng máu thơm thiên cổ/Phải trả ta cho mạch giống nòi", Tổng Bí thư dẫn lại lời thơ của Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Đi như để nói thay tâm sự của lòng mình. Hôm ấy là một ngày sát tết Mậu Tuất (2018), Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Lễ trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư, đợt 3/2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Khi ông Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng Bí thư, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận xét: “Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định”.

Còn người trợ lý thân cận của Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng là ông Hồ Mẫu Ngoạt, có lần nói với tôi về ông: “Anh là nhà lý luận nhất quán. Các anh cứ đọc những bài anh ấy viết từ 20- 30 năm trước thì thấy ở đó đã toát lên những tư tưởng của anh ấy trong ngày hôm nay”.

Ông là vậy, khiêm nhường, nhưng nguyên tắc; nhân từ, nhưng quyết liệt; chí nghĩa, chí tình, nhưng không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.

Nhân nghĩa, khiêm nhường

Giáo sư Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của Công nghệ giáo dục, người bạn thân thiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần nói với tôi, ông Trọng là một nhân cách lớn. Nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng đội, sống liêm khiết, trong sạch. Vì vậy ông rất ghét thói xa hoa, bòn rút của công, bè phái, cánh hẩu.

Ông là người trọng danh dự và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ vun vén quyền lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Vài ba chục năm trở lại đây, người dân từng biết không ít vị có chức sắc bằng quyền lực của mình cất nhắc con cái, người thân, đệ tử của mình vào những vị trí này nọ. Không từ một thứ gì để kiếm chác. Thậm chí cưới xin cho con, thượng thọ cho bố mẹ cũng tổ chức linh đình để nhận quà cáp, biếu xén.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của Nhà nước, của Đảng nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của Nhà nước, của Đảng nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân. 

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không. Đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của Nhà nước, của Đảng nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân. Theo lời kể của ông Dương Đức Quảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin báo chí Văn phòng Chính phủ, người bạn học thời đại học với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “ông Trọng có hai người con, môt gái, một trai đều là những viên chức nhà nước và là các công dân bình thường như bao công dân khác. Có thể có người gặp các cháu trong công việc hay cuộc sống thường ngày không hề biết bố các cháu là Tổng Bí thư vì chẳng bao giờ các cháu tự nói ra điều này”.

Giữ những trọng trách cao là vậy, nhưng khi về với trường lớp cũ, với thày cô và các bạn đồng môn, ông Trọng vẫn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người. Hãy nghe ông Dương Đức Quảng kể: “khi tới thăm thày cô và các bạn đồng môn ông Trọng  nói: “Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò cũ của các thầy, các cô ngày nào. Còn tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn mãi với nhau là tình thầy trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó”. Ông Quảng kể thêm: “Khi chụp ảnh kỷ niệm lớp, anh vẫn nhường cho người cao tuổi ngồi trên. Lúc thư nhàn, anh vẫn về thăm những thầy cô giáo của mình với lòng kính trọng, biết ơn chân thành”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô giáo cũ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô giáo cũ.

Năm 2011, khi ông Nguyễn Phú Trọng vừa được bầu làm người đứng đầu Đảng ta, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với bà Đặng Thị Phúc, cô giáo tiểu học của ông Nguyễn Phú Trọng. Ở tuổi 80, nhưng bà còn rất minh mẫn. Bà kể: “Nguyễn Phú Trọng là cậu học trò nhỏ tuổi nhất, nhưng lại học giỏi nhất lớp. Nhà nghèo. Suốt thời gian học lớp 4 cậu chỉ mặc mỗi một bộ quần áo nâu, không kể đông hay hè. Đó là chiếc áo bà ba xẻ tà, quần màu nâu, đi chân đất.

Cuối năm học, vì trò Trọng là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, đứng vị trí thứ nhất nên được báo cáo điển hình trước toàn trường. Khi biết tin vui đó, cậu lại rất ngại, khuôn mặt ngây thơ cứ ngẩn ra vì không biết phải nói gì trước đông đảo thầy cô và các bạn của trường”.

Sau này học xong, ra trường và về làm tại Tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng luôn được cấp dưới nể phục và kính trọng.

“Ông là người nghiêm khắc trong nghề nghiệp, có lý tưởng. Điều đáng kính trọng ở ông là sự tận tâm với công việc. Là người từng nhiều năm được làm việc dưới quyền ông, được ông dìu dắt, chỉ bảo, chúng tôi học được rất nhiều ở ông tính chuyên cần, cẩn trọng, cần kiệm. Ông là mẫu  người “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” như Bác Hồ từng dạy”- ông Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định.

“Ta đã đi là ta quyết đi”

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng bí thư, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh rằng, ông tin là BCH TƯ mới đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát huy tối đa khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như khẩu hiệu (cũng là mệnh lệnh) của Đại hội Đảng XII.

Trong Báo cáo trước 1.510 đại biểu tham dự Đại hội Đảng XII và cũng là với toàn dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nhưng đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “lấy Dân làm gốc”, vì lợi ích Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân”.

Điều quan trọng nhất mà người đứng đầu Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh là “Đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, yếu tố quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược ông đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền.

Có lẽ chưa bao giờ, công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt và thu được nhiều thành công như thời gian vừa qua. Hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng bị truy tố và nhận hình phạt rất cao của pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý nghiêm khắc. Câu nói của Tổng bí thư hôm nào “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” tiếp tục phát huy hiệu quả.

Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại một phiên tòa tháng 1/2018.
 Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại một phiên tòa tháng 1/2018.

Có thể khẳng định, công cuộc phòng chống tham nhũng không chỉ làm trong sạch đội ngũ của đảng cầm quyền, thu hồi lại tài sản quốc gia mà quan trong hơn nữa, nó đã đem lại niềm tin tưởng cho nhân dân để từ đó, tạo động lực cho sự phát triển đất nước.

Con số tăng trưởng 6,81% của năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt 6,98%, ước cả năm sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%) cùng với bảng xếp hạng cao trong thị trường đầu tư quốc tế đã khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng không làm “nản chí” ai đó dẫn đến kéo lùi sự phát triển mà ngược lại, chính là nguồn lực cho sự phát triển hôm nay.

Có được những thành công này là sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là sự kiên định, là quyết tâm và đồng thời cũng thể hiện sách lược của “Người đốt lò”- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Có thể nói hơn ai hết, Tổng Bí thư là người hiểu rõ nhất sự gian nan, phức tạp, khốc liệt khi đánh vào “thành trì tham nhũng”. Có thể công khai, có thể ngấm ngầm, song sự chống đối chắc chắn là không nhỏ. Tuy nhiên:

“… Ta đã đi, là ta quyết đi!
Đạp bằng trở lực, vượt gian nguy
Ngực còn thoi thóp, tim còn đập
Còn nghiến răng giương thẳng nghĩa kỳ!

(Trích bài thơ Đi của Tố Hữu)

Với cương vị mới, chúng ta có niềm tin lớn lao rằng, người đứng đầu Đảng ta, Nhà nước ta sẽ “đạp bằng trở lực vượt gian nguy” lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.