Tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách đạt mức cao nhất kể từ năm 2016

VietTimes – Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2020.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường.

Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45.700 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 8.300 tỷ đồng, tăng 101,8%; vốn địa phương quản lý 37.400 tỷ đồng, tăng 43,9%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203.000 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 32.500 tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu với quy mô đạt 8.340 tỷ đồng, bằng 41,6% kế hoạch năm 2020 và tăng 91,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là Bộ Y tế với quy mô đạt 2.313 tỷ đồng, bằng 34,7% kế hoạch năm và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Vốn địa phương quản lý đạt 170.500 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 113.800 tỷ đồng, bằng 41,7% và tăng 21,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 47.800 tỷ đồng, bằng 47% và tăng 24,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8.900 tỷ đồng, bằng 55,2% và tăng 24,4%.

Vốn FDI suy giảm

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, tính đến này 20/7/2020, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 1.620 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,5 tỷ USD, giảm 21,5% về số dự án và tăng 14,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2109; có 619 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD, tăng 37,7%; có 4.459 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 4,6 tỷ USD, giảm 45,6%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 970 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,6 tỷ USD và 3.489 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 10,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 15%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 0,7 tỷ USD, chiếm 7,1%./.