Tòa PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết về Biển Đông, Trung Quốc có thể tập trận thị uy?

VietTimes -- Trong trường hợp PCA ra phán quyết bất lợi cho yêu sách bành trướng của Trung Quốc, hải quân của nước này có thể tập trận quy mô lớn ở Biển Đông để thị uy và phô trương sức mạnh.

 

 

Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận trên Biển Đông để thị uy.
Hải quân Trung Quốc sẽ tập trận trên Biển Đông để thị uy.

Hãng tin BBC Anh ngày 29/6 đưa tin, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) có trụ sở tại The Hague, Hà Lan cùng ngày ra tuyên bố cho biết họ sẽ đưa ra phán quyết vấn đề tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 12/7 (giờ địa phương).

Theo nhận định của các chuyên gia, phán quyết này có thể làm cho tình hình căng thẳng Biển Đông tiếp tục nóng lên.

Phán quyết của PCA và thông cáo báo chí kèm theo trước tiên sẽ được công bố cho bên đương sự bằng thư điện tử, trong thông cáo báo chí sẽ bao gồm tóm tắt của phán quyết. Thông cáo báo chí sẽ có có phiên bản song ngữ Anh, Pháp và phiên bản tiếng Trung (giản thể).

Các nước quan sát sẽ nhận được phán quyết và thông cáo báo chí bằng hình thức thư điện tử. Sau đó, phán quyết và thông cáo báo chí sẽ sử dụng hình thức thư điện tử gửi cho các nước thành viên của PCA, những người đăng ký với trọng tài viên PCA cùng với công chúng và giới báo chí đăng ký với PCA.

Bên đương sự sẽ nhận được bản gốc (bản chính) của phán quyết. Bản phụ phán quyết sẽ được gửi tới sứ quán của nước nhận được tư cách quan sát viên của PCA. Phán quyết sẽ không công bố bằng bất cứ hội nghị hoặc buổi lễ nào. 

Bối cảnh

Tháng 1/2013, Philippines căn cứ vào quy định về giải quyết tranh chấp và thủ tục trọng tài của Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS), đưa vụ kiện trọng tài Biển Đông lên PCA.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định lập trường "không chấp nhận, không tham gia, không thừa nhận và không thực hiện" đối với vụ kiện trọng tài Biển Đông.

Nhưng, gần đây, Trung Quốc muốn thông qua đàm phán song phương để giải quyết vấn đề này.

Đầu tháng 6/2016, Trung Quốc ra tuyên bố về vụ kiện trọng tài Biển Đông trong đó cho biết Philippines đã xem nhẹ một đề nghị tiến hành đàm phán song phương về vấn đề này, đồng thời tái khẳng định “cánh cửa đàm phán luôn mở”.

Tuyên bố này còn nhấn mạnh Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết tranh chấp cưỡng ép nào trong vấn đề lãnh thổ và phân chia ranh giới biển.

Tuy nhiên, phụ lục 7 của UNCLOS quy định, tòa trọng tài vẫn có thể thành lập trong trường hợp một bên không tham gia: "Một bên tranh chấp vắng mặt hoặc không tiến hành biện hộ đối với vụ kiện sẽ không cản trở thực hiện các thủ tục trọng tài".

Phản ứng tức tối của Bắc Kinh

Trước thông tin tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) cho biết sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vì Biển Đông vào ngày 12/7, Bắc Kinh lập tức đưa ra phản ứng mạnh nhưng chứa đựng đầy vẻ tức tối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cáo buộc cách tiếp cận đơn phương của Philippines đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông thông qua vụ kiện đã “coi thường luật pháp quốc tế”, tuy nhiên, ông Hồng Lỗi đã quên mất rằng nước nào mới thực sự là nguồn cơn gây tranh cãi, “coi thường luật pháp quốc tế” trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Hồng Lỗi cao giọng: “Một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng, các tòa án trọng tài không có thẩm quyền trong vụ kiện cũng như những vấn đề có liên quan, và (họ) không nên xét xử hoặc đưa ra phán quyết. Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân định hàng hải, Trung Quốc không chấp nhận giải quyết tranh chấp từ bất kỳ một bên thứ 3 và giải quyết theo cách mà Trung Quốc bị áp đặt”.

Theo nhận định của các chuyên gia luật pháp quốc tế, phán quyết của PCA có thể tước đi các cơ sở pháp lý (phi pháp) của Trung Quốc cho việc thực hiện một yêu sách bành trướng ở Biển Đông. 

Trong trường hợp Trung Quốc không chấp nhận và không thực thi phán quyết của PCA, điều đó chẳng khác nào Trung Quốc tự tuyên bố họ là một nhà nước sống ngoài vòng pháp luật, ở đây là luật pháp, quy định quốc tế.

Trung Quốc có thể tập trận để thị uy nếu thua cuộc

Trong trường hợp PCA ra phán quyết bất lợi cho yêu sách bành trướng của Trung Quốc, hải quân của nước có thể tập trận quy mô lớn ở Biển Đông để thị uy và phô trương sức mạnh.

Theo nguồn tin báo chí, hiện nay, các tàu chiến hạm lớn nhất của cả 3 hạm đội hải quân Trung Quốc đã tập trung về căn cứ của Hạm đội Nam Hải ở đảo Hải Nam để chuẩn bị cho các họat động trong tương lai gần.

Đồng thời, quân đội Trung Quốc cũng huy động một số lượng lớn các máy bay chiến đấu, vận tải đường không của 3 hạm đội nhằm chuẩn bị cho một cuộc tập trận tiềm năng ở khu vực Biển Đông. Có nhận định cho rằng, động thái này của Bắc Kinh rõ ràng nhằm vào phán quyết của PCA.