Quyền phán quyết trong tay các thẩm phán
Tờ Sputnik Nga ngày 10/12 dẫn lời nhà nghiên cứu cao cấp Kim Vĩnh Hùng, Ban nghiên cứu vấn đề Triều Tiên, Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng khả năng Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc thông qua đề nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là rất nhỏ.
Ngày 9/12 Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua quyết định đề nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye với 234 phiếu tán thành, 56 phiếu chống. Tổng thống Park Geun-hye sẽ bị dừng thực hiện chức vụ, do Thủ tướng Hwang Kyo-ahn thay thế nắm quyền.
Sau khi kiến nghị luận tội được thông qua, bản kiến nghị sẽ giao cho Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết. Tòa án Hiến pháp chậm nhất là đưa ra phán quyết trong thời gian 6 tháng.
Chuyên gia cho rằng: "Tòa án Hiến pháp muốn thông qua bản kiến nghị này, trong 9 thẩm phán phải có 6 người tán thành. Chủ tịch Tòa án Hiến pháp sẽ rút khỏi chức vụ vào tháng 1/2017, 1 thẩm phán khác sẽ rời chức vụ vào tháng 5/2017. Sẽ còn lại 7 người, chỉ cần 2 người trong số đó phản đối, kiến nghị luận tội sẽ không được thông qua".
Trong giai đoạn đầu, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt phụ trách tiến hành điều tra vụ luận tội. Sau khi công tố viên đặc biệt này đưa ra quyết định, Tòa án Hiến pháp mới bắt đầu xem xét cụ thể vụ luận tội.
Trong 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc có 3 người do Tổng thống đích thân bổ nhiệm, 3 người do Chủ tịch Tòa án tối cao đề cử, còn có 3 người do Quốc hội đề cử.
Nhà nghiên cứu Kim Vĩnh Hùng cho rằng, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc năm 2004 từng bác bỏ đề nghị luận tội Tổng thống Roh Moo-hyun khi đó, lần này cũng sẽ bác bỏ đề nghị luận tội bà Park Geun-hye.
Chuyên gia dự tính, trong thời gian các thẩm phán Hiến pháp xem xét đề nghị luận tội, chính sách ngoại giao của Hàn Quốc sẽ không thay đổi.
Bà Park Geun-hye chuyển giao quyền cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn. Thủ tướng sẽ duy trì triển khai chính sách như bà Park. Trong nửa năm tiếp theo Hàn Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách trừng phạt đối với Triều Tiên và tăng cường quan hệ Hàn - Mỹ.
Chịu sức ép từ người dân
Tờ Tin tức Trung Quốc ngày 10/12 cũng cho rằng về lý thuyết, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc có thể đưa ra phán quyết có lợi cho bà Park Geun-hye, bởi vì 9 thẩm phán của tòa đều do bà và cựu Tổng thống Hàn Quốc cùng thuộc phe bảo thủ, ông Lee Myung-bak bổ nhiệm.
Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc rất ủng hộ việc bà Park Geun-hye rời bỏ chức vụ Tổng thống. Cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy có 80% người dân Hàn Quốc ủng hộ luận tội Tổng thống.
Vì vậy, các thẩm phán sẽ đối mặt với sức ép rất lớn trong việc duy trì quyết định của Quốc hội, đặc biệt kiến nghị luận tội cũng được rất nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền Hàn Quốc ủng hộ.
Sau khi Quốc hội thông qua đề nghị luận tội, phản ứng sơ bộ của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc là hy vọng đoàn luật sư của bà Park Geun-hye đệ trình một văn bản về luận tội trong vòng 1 tuần.
Người phát ngôn của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi đã có đồng thuận, cho rằng việc luận tội lần này là vụ việc rất quan trọng, cần tiến hành nhanh chóng”.
“Do tính nghiêm trọng của vụ việc, trong thời gian thụ lý, Tòa án sẽ tổ chức rất nhiều cuộc họp và thành lập tiểu ban công tác nghiên cứu để nghiên cứu xem xét cách thức xử lý vụ việc này”.
Cựu thẩm phán Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Kim Jong-Dae cho rằng lần này Tòa án Hiến pháp sẽ chịu ảnh hưởng bởi sự phẫn nộ bởi người dân trong việc thúc đẩy luận tội Tổng thống.
Một thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cho biết lý do cựu Tổng thống Roh Moo-hyun bị luận tội không rõ ràng, nhưng tình hình lần này hoàn toàn khác.
Nếu Tòa án Hiến pháp cuối cùng cũng quyết định yêu cầu bà Park Geun-hye phải rời bỏ chức vụ thì bà sẽ lập tức thôi chức và cần tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày để chọn ra Tổng thống mới.