Tình hình kinh doanh của Vietcombank nhìn từ BCTC hợp nhất Quý 3/2018

VietTimes – Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB) vừa công bố Báo cáo tài chính (BCTC) riêng lẻ và hợp nhất Quý 3/2018. Theo đó, kết quả kinh doanh của “ông lớn” ngành ngân hàng tiếp tục có sự khởi sắc, tỷ lệ nợ xấu đạt 1,18% (tăng nhẹ 0,04%) so với đầu năm.
Vietcombank ghi nhận kết quả kinh doanh Quý 3/2018 tích cực (Ảnh: Internet)
Vietcombank ghi nhận kết quả kinh doanh Quý 3/2018 tích cực (Ảnh: Internet)

Chỉ tính riêng trong Quý 3/2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank đạt 3.666 tỷ đồng, tăng 987 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, các khoản thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn thu của Vietcombank khi đạt 14.352 tỷ đồng, tăng 2.756 tỷ đồng so với năm 2017.

Ở chiều hướng ngược lại, các khoản chi phí từ lãi và các chi phí tương tự liên quan đến hoạt động này chỉ có sự tăng nhẹ, điều này giúp cho mức thu nhập lãi thuần của Vietcombank trong kỳ đạt 7.431 tỷ đồng, tăng trưởng tới 41,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, theo công văn giải trình của phía Vietcombank, kết quả lợi nhuận trước thuế Quý 3/2018 tăng trưởng 790 tỷ đồng (+36,76%) nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng trưởng của các nguồn thu nhập lợi nhuận trước thuế đến từ các hoạt động dịch vụ, góp vốn mua cổ phần và thu nhập từ hoạt động khác.

Giải trình kết quả kinh doanh Quý 3/2018 của Vietcombank (Nguồn: Vietcombank)
Giải trình kết quả kinh doanh Quý 3/2018 của Vietcombank (Nguồn: Vietcombank) 

Ảnh hưởng của các nguồn thu nhập này về mặt tuyệt đối đạt 500 tỷ đồng, tăng trưởng 18,65% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, Vietcombank đã ghi nhận khoản lỗ 170 tỷ đồng trong Quý 3/2018 từ lĩnh vực mua bán chứng khoán kinh doanh, trong khi cùng kỳ năm trước đạt mức lãi 135 tỷ đồng.

Bên cạnh các chi phí liên quan tới đặc thù từng lĩnh vực cụ thể, chi phí hoạt động của Vietcombank ghi nhận trong kỳ đạt 3.985 tỷ đồng, tăng 881 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, khoản chi phí này đã ghi nhận là 11.916 tỷ đồng, tăng 26,3% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2017. Các chi phí này chủ yếu đến từ chi phí trả lương và phụ cấp cho nhân viên và chi cho hoạt động quản lý công vụ.

Với kết quả kinh doanh Quý 3 tiếp tục khởi sắc, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Vietcombank đạt mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 11.683 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 34,1%.

Sau khi giảm trừ đi các khoản thuế thu nhập phải nộp, lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 9.377 tỷ đồng, tăng 2.999 tỷ đồng (tương đương 47,01%) so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt mức 2.603 đồng/cổ phiếu.

Đó là với kết quả kinh doanh, chất lượng tài sản của Vietcombank tới cuối Quý 3/2018 ra sao?

Nợ xấu tăng nhẹ, đạt 1,18%

Tính đến ngày 30/9/2018, quy mô tổng tài sản của Vietcombank đạt 995.111 tỷ đồng, giảm 40.182 tỷ đồng (tương đương 3,8%) so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng (sau khi trừ đi khoản mục dự phòng rủi ro cho vay) đạt 616.408 tỷ đồng, tăng 81.087 tỷ đồng (tương đương mức tăng 15,1%) so với đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tổng số các khoản nợ từ nhóm 3 tới nhóm 5 (bao gồm: nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) đạt hơn 7.423 tỷ đồng, tăng 1.215 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ theo đó cũng tăng nhẹ từ 1,14% lên mức 1,18% tại ngày 30/9/2018.

Chất lượng nợ vay của Vietcombank tính đến 30/9/2018 (Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2018 Vietcombank)
Chất lượng nợ vay của Vietcombank tính đến 30/9/2018 (Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2018 Vietcombank) 

Các khoản mục liên quan tới hoạt động trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) của Vietcombank cũng giảm mạnh khi số dư Tiền gửi tại và cho vay các tổ chức tín dụng khác ghi nhận giá trị chỉ còn 152.373 tỷ đồng, giảm 80.600 tỷ đồng so với đầu năm. Tương tự là các khoản Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 63.127 tỷ đồng, chỉ còn 30.488 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn của Vietcombank, tính tới 30/9/2018, nguồn vốn nợ phải trả chiếm 93,8%, đạt 933.584 tỷ đồng và nguồn vốn chủ sở hữu đạt 61.526 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 17.650 tỷ đồng).

Trong đó, nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng (thị trường 1) vẫn chiếm tỷ trọng lơn và có sự tăng mạnh từ 708.519 tỷ đồng lên mức 773.406,9 tỷ đồng. Ở chiều hướng ngược lại, giá trị khoản mục Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác (thị trường 2) giảm từ 66.942 tỷ đồng hồi đầu năm xuống mức 34.175 tỷ đồng tại ngày 30/9/2018.

Đối với các khoản mục ngoài bảng cân đối kế toán, cam kết trong giao dịch hối đoái ghi nhận giá trị giảm 15.843 tỷ đồng, đạt mức 58.886 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng đạt 61.731 tỷ đồng, tăng 16.492 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản mục khác ngoài bảng cân đối kế toán không có nhiều biến động./.