|
Một trong những hoạt động "Ngày giáo dục an ninh quốc gia toàn dân" |
Tờ Tin tức Tham khảo (Trung Quốc) ngày 25/5 dẫn nguồn tin từ Anh cho rằng, cơ quan chống gián điệp Trung Quốc đã giành được thắng lợi rõ rệt trong cuộc đối đầu với "người trong ngành" của các đối thủ lớn nhất là Nhật Bản và Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/5 xác nhận, 6 công dân Nhật Bản bị thẩm tra do bị tình nghi liên quan đến "tiến hành hoạt động vi phạm pháp luật" ở Trung Quốc. Hãng tin Kyodo Nhật Bản trước đó cũng cho biết 6 người này bị tình nghi tiến hành hoạt động gián điệp.
Trong khi đó, theo tờ Thời báo New York (Mỹ) ngày 21/5, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã phá vỡ một mạng lưới thu thập tình báo của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Trung Quốc. Đây là một trong những tổn thất quan trọng nhất của tình báo Mỹ trong vài chục năm qua.
Từ năm 2010 trở đi, nhiều gián điệp của CIA ẩn náu trong các cơ quan Chính phủ Trung Quốc từng bước bị mất liên lạc. Hệ thống tình báo Mỹ không thể xác định nguyên nhân thất bại là do nội bộ CIA có người “đã phản bội nước Mỹ” hay Trung Quốc đã thành công phát hiện ra hệ thống liên lạc của CIA với gián điệp. Quan điểm của các nhân viên điều tra về nguyên nhân thất bại còn tồn tại bất đồng nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đang triển khai một cuộc cạnh tranh nguy hiểm cao, Trung Quốc tìm cách thay thế vị thế thống trị của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi một hiệp định thương mại mang tính khu vực (TPP). Hiệp định này vốn có thể nâng cao vai trò ảnh hưởng kinh tế của Mỹ và Nhật Bản ở châu Á, nhưng chính quyền Donald Trump cũng cam kết muốn tăng cường quan hệ đồng minh an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ đã được phía Trung Quốc thông báo rằng công dân của họ đã bị tạm giữ ở Sơn Đông và Hải Nam vào tháng 3/2017, nhưng từ chối tiết lộ nguyên nhân những người này bị bắt.
Trong đó có 4 người Nhật Bản là nhân viên khảo sát địa chất. Họ vào Trung Quốc là để khảo sát những địa phương thích hợp cho khai thác khu du lịch suối nước nóng. Công ty của họ cho biết họ đã triển khai hoạt động khảo sát địa chất trong 10 năm ở Trung Quốc.
Ngoài 6 người bị bắt từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc còn giam giữ ít nhất 5 công dân Nhật Bản với tội danh tình nghi hoạt động gián điệp.
Năm 2016, Trung Quốc lần đầu tiên khởi động hoạt động "Ngày giáo dục an ninh quốc gia toàn dân". Công dân Trung Quốc nếu báo có hành vi gián điệp sẽ được thưởng với mức cao nhất là 500.000 nhân dân tệ.
Cùng với việc Luật chống gián điệp được thi hành vào tháng 11/2014, các tổ chức nước ngoài cũng bắt đầu bị thẩm tra nhiều hơn. Đồng thời, Luật quản lý hoạt động các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở trong nước do Trung Quốc công bố năm 2016 cũng đã tăng quyền lực cho cơ quan công an.
Ngoài ra, theo tờ Liên hợp buổi sáng (Singapore) ngày 24/5, Trung Quốc phát hiện ra gián điệp Mỹ tại Trung Quốc là do có nguồn tin tiết lộ từ hệ thống tình báo Mỹ, động cơ có thể là để phá hoại quan hệ Trung - Mỹ.
Có học giả cho rằng vụ án gián điệp có ảnh hưởng thực tế không lớn đến quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chiến lược và kinh tế thương mại.
Trung Quốc và Mỹ đang thông qua "kế hoạch 100 ngày" để giải quyết các va chạm kinh tế thương mại, đồng thời sẽ tiến hành đối thoại ngoại giao, an ninh vòng đầu tiên vào tháng 6/2017. Có chuyên gia cho rằng, thông tin về gián điệp này có thể có động cơ phá hoại bầu không khí đối thoại Trung - Mỹ.
Ngô Tâm Bá, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Phục Đán, Trung Quốc cho rằng: "Đây là vấn đề của ít nhất 5 năm trước, hơn nữa quan chức ngành tình báo Mỹ xem ra đã chủ động tiết lộ cho phóng viên. Tôi tò mò về lý do tại sao họ lại chọn tiết lộ vào thời điểm này".
Ngô Tâm Bá cho rằng sau khi Trung Quốc thực hiện Luật chống gián điệp, sẽ làm cho hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ tại Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn. Hệ thống tình báo Mỹ có thể muốn thông qua làm nóng trên truyền thông, gây chú ý cho dư luận Mỹ.
Ngô Tâm Bá còn cho rằng người tiết lộ đại diện cho thế lực chống Trung Quốc trong nội bộ Mỹ không muốn nhìn thấy sự phát triển ổn định của quan hệ Trung - Mỹ, hy vọng gây sức ép lên Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhắc nhở ông không nên xây dựng tốt quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, từ đó đe dọa lợi ích an ninh quốc gia.
Ông chỉ ra, về truyền thống, quân đội và ngành tình báo Mỹ có thái độ tương đối cứng rắn đối với Trung Quốc.
Chuyên gia các vấn đề chiến lược và an ninh quốc tế Viên Thiết Thành cũng cho rằng: "Không loại trừ phía Mỹ có người lợi dụng việc này, đóng cái đinh vào giữa quan hệ Trung - Mỹ".
Có phân tích cho rằng trong hệ thống tình báo Mỹ có thể có lực lượng chống Donald Trump. Sau khi lên nắm quyền, ông Donald Trump có quan hệ không được tốt với hệ thống tình báo Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc được hỏi đều cho rằng thông tin gián điệp sẽ không gây ảnh hưởng rõ rệt đến quan hệ Trung - Mỹ.
Giáo sư Thời Ân Hoằng, Học viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc nói: "So với các thông tin tiết lộ khác, đây là sự tiết lộ rất nhỏ, sẽ không có ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Mỹ".
Theo Ngô Tâm Bá, khi xảy ra vụ việc, ông Donald Trump còn chưa lên nắm quyền, cũng không có vụ việc liên quan trực tiếp đến ông như phía Nga. Vì vậy, có ảnh hưởng không lớn đến cá nhân của ông Donald Trump.
Ngoài ra, Trung Quốc triển khai hành động loại bỏ gián điệp để bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc, cách làm này hoàn toàn không quá mức. Phản ứng của dư luận Mỹ đối với thông tin này cũng phản ánh được điều này.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Ngô Tâm Bá lo ngại Mỹ có thể sẽ có hành động tiếp theo, chẳng hạn bắt giữ người Trung Quốc tình nghi làm gián điệp trên lãnh thổ Mỹ.