Tín dụng đen: 'Tội phạm nguy hiểm trong tầm ngắm của công an'

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.

Hiện Việt Nam đang có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng người Việt Nam tràn sang để cung cấp dịch vụ theo mô hình cho vay ngang hàng (P2P) nhưng biến tướng thành tín dụng đen cho vay nặng lãi. Họ thuê người Việt đứng tên thành lập công ty, thuê xã hội đen đòi nợ, đứng giữa ăn lãi khủng, nhưng không lộ mặt.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nexttech cho biết: "Hiện nay có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online. Lãi suất của các công ty này thường rất cao đối với người dân Việt Nam". 

Ông Trần Việt Vĩnh, CEO của FIIN – một công ty hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng (P2P) cho rằng, hiện các doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng kiểu này đang triển khai hơn 60 ứng dụng (app) cho vay online ở thị trường Việt Nam. CEO của FIIN đưa ra một con số thống kê khá giật mình rằng các doanh nghiệp tín dụng đen này của Trung Quốc lại đang chiếm tới hơn 60% số lượng giao dịch cho vay online qua app tại Việt Nam.

Trả lời về nạn tín dụng đen, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết: "Tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực. Các cơ quan phải đấu tranh làm mạnh, đặc biệt lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao. Thực tế, nhu cầu vay tín dụng khá lớn nên tín dụng đen mới hoạt động mạnh thế. Đặc biệt, người đi vay tín dụng đen đều ở tình trạng cần tiền gấp, trong đó có cả đối tượng nghiện hút, cờ bạc… Còn những người làm ăn, kinh doanh đa số biết là khó làm được gì có lợi nhuận đủ để bù đắp lại số lãi vay cao như vậy… Do đó, tín dụng đen là loại tội phạm nguy hiểm, mục tiêu đấu tranh của công an".

Ông Tô Ân Xô còn cho hay, Bộ Công an đã cảnh báo các loại tội phạm này trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tránh rơi vào bẫy tín dụng đen… Tới đây, Bộ Công an sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có hoạt động vi phạm liên quan đến tín dụng đen, sẽ có hội nghị với các nội dung cụ thể hơn…

Bình luận thêm về tính dụng đen, CEO của một công ty Việt Nam hoạt động theo mô hình P2P cho biết, trước việc truyền thông và các cơ quan công an ra tay trấn áp, nhiều app lậu cho vay nặng lãi bắt đầu đóng cửa hoạt động, không giải ngân, chỉ thu hồi. Tuy nhiên cũng còn một số app vẫn tiếp tục hoạt động nhỏ giọt và nghe ngóng tình hình. Sau khi các công ty Trung Quốc tràn vào Việt Nam gây rối, thị trường cũng bị ảnh hưởng theo, nhất là phân khúc cho vay ngắn hạn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt buộc phải tìm sang phân khúc thị trường tốt hơn để phát triển.

Ông Trần Việt Vĩnh cho hay, hiện đã có sự rút lui của một số doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng khẳng định đây không phải vấn đề thị trường P2P tại Việt Nam bị đổ vỡ, thậm chí còn là dấu hiệu tốt.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc mặc dù hiểu về các sai phạm trong hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam nhưng vẫn làm. Tới một thời điểm, họ thấy các cơ quan quản lý của Việt Nam đang bắt đầu “chạm” tới các sai phạm của mình, nên đã chủ động rút trước. Thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp núp bóng trục lợi này là do họ tự cung vốn vào cho vay chứ không phải mô hình P2P Lending, nên khi rút đi cũng sẽ không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp cho ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề tín dụng đen Trung Quốc núp bóng hoạt động tại Việt Nam, ông Trần Việt Vĩnh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý thí điểm để làm minh bạch thị trường. Như vậy, người dân sẽ không bị mắc kẹt vào bẫy tín dụng đen, các doanh nghiệp công nghệ tài chính đổi mới sáng tạo của Việt Nam có cơ hội phát triển công bằng trên thị trường nội địa.

Mới đây, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định đối với việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, tiên tiến, bảo đảm chặt chẽ, an toàn; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, không đúng quy định pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, phòng ngừa đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thủ tướng còn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), các hình thức thanh toán mới chưa có quy định của pháp luật.

Theo ICTNews