|
Ảnh minh họa |
Những chuyện bàn tán trên mạng liên quan đến người nổi tiếng như ca sĩ Hồ Ngọc Hà, hoa hậu Kỳ Duyên, diễn viên Quách Ngọc Ngoan, doanh nhân Trương Thị Phượng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Quang Lê và cả những người nổi tiếng không phải từ nghề nghiệp hay tài năng mà do dính đến vụ án hình sự hay sự cố xã hội… buộc truyền thông phải tham gia đưa tin và đôi khi biến thành vụ án hình sự như “Thánh Cô cô bóc” đã đặt ra vấn đề người nổi tiếng và giới hạn của sự riêng tư.
Người nổi tiếng ngoài các khái niệm trên còn có các chính trị gia, người làm việc cho chính phủ (ở ta được hiểu là cán bộ, công chức…) và nhà báo.
Khi mạng truyền đi hình ảnh hớ hênh của cô hoa hậu Kỳ Duyên trên khoang máy bay, truyền thông đưa ý kiến các vị luật sư rằng có thể khởi kiện người chụp và tung ảnh lên mạng xã hội vì đã xâm phạm quyền riêng tư.
Nhưng gia đình cô Kỳ Duyên có thái độ khiêm cung và khôn ngoan, mẹ cô Kỳ Duyên nói: “Tôi không coi sự việc này là một xìcăngđan ghê gớm, tôi nghĩ nó là một lời nhắc nhở đối với cả tôi và Kỳ Duyên. Chúng tôi sẽ chú ý hơn nữa để hình ảnh của Duyên được chỉn chu hơn, đẹp đẽ hơn. Chính vì thế, chúng tôi không có ý định kiện người đã chụp và phát tán bức ảnh đó. Như mọi người đều thấy, tất cả những lời góp ý đối với Kỳ Duyên từ trước tới giờ, chúng tôi đều lắng nghe và từ đó sửa chữa, hoàn thiện hình ảnh cho Duyên”.
Vâng kể cả về mặt pháp luật và truyền thông, đó là thái độ đúng mực và sòng phẳng. Những người nổi tiếng mặt nào đó “khai thác” triệt để mạng xã hội để PR, truyền thông cho hình ảnh của mình và được hưởng lợi ích phát sinh từ quảng cáo và các show diễn mà lượng fan có tương tác vô cùng quan trọng. Vì vậy họ phải chịu trách nhiệm trước công chúng kể cả lời đồn đoán, dị nghị.
Tất nhiên nếu thông tin đưa lên mạng có tính chất ác ý, vu khống thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác không nằm trong phạm vi bàn luận hôm nay.
Một người phụ nữ bình thường say sưa trong quán bar, hoặc bị tung ảnh thân mật với người đàn ông nào đó thì cũng không ai quan tâm, vì giữa họ và công chúng không có mối quan hệ tương tác phát sinh lợi nhuận như những người nổi tiếng. Do đó khi cô ca sĩ nổi tiếng vừa chia tay chồng vì anh có dấu hiệu làm ăn sa sút lại có ngay tấm ảnh trên mạng cặp kè với vị “đại gia” khác trong quán bar, thì việc xuất hiện anti-fan và cơn thịnh nộ của người hâm mộ cũng là chuyện bình thường.
Tôi rất thích một phát biểu hay được truyền thông dẫn lại của ông Mike Paul, chuyên gia quan hệ công chúng và giải quyết khủng hoảng làm việc tại New York, rằng đã là người nổi tiếng thì cần phải chấp nhận sự phơi bày riêng tư ấy. “Tin tốt là anh được trả rất nhiều tiền. Tin xấu là: Sự riêng tư ư? Anh đùa đấy à? Nó tự đi ra ngoài cửa sổ mất rồi”.
Trở lại vụ cô ca sĩ nổi tiếng, ngay khi hình ảnh của cô và người đàn ông bí ẩn xuất hiện trên mạng, đã có nhiều fanpage lập nên để bàn về vấn đề này. “Thần linh ơi!”, có hàng chục ngàn comment ngay sau đó, chủ yếu là lên án cô ca sĩ. Nghe đâu cô này dọa kiện, chuyện đó chúng ta chờ xem nhưng rõ ràng là những người bình luận không hề có ác ý hoặc vu khống, họ đã truyền đi thông điệp xã hội mạnh mẽ về nền tảng hôn nhân, tình yêu không chấp nhận sự đi ngược các nguyên tắc đó của cô ca sĩ mà họ từng yêu mến.
Đây không phải là thái độ “bầy đàn” mà là một tâm thế xã hội xuất phát từ truyền thống văn hóa coi trọng gia đình của người Việt.
Một ứng viên tổng thống Mỹ 2008, là John Edwards, phải từ bỏ cuộc chạy đua sau khi tờ National Enquirer đưa ra phóng sự ghi lại mối quan hệ phi vợ chồng của ông.
Công chúng yêu mến ông về hình ảnh người chồng mẫu mực chăm sóc vợ đang bị ung thư giai đoạn cuối cảm thấy họ bị lừa đối, hết sức phẫn nộ. Ông John Edwards đã xin lỗi công chúng và không kiện tờ National Enquirer về xâm phạm đời tư.
Đời tư của ông không còn là vấn đề riêng tư nữa khi ông quyết định gia nhập chính trường, hay quyết định trở thành người của công chúng. Nói một cách khác, người của công chúng thường phải chấp nhận việc để cho đời tư của mình bị “soi mói” (public scrutiny). Kể cả khi trở thành nạn nhân của các vụ tai tiếng trên mạng, người của công chúng cũng phải nói: xin lỗi.
Nếu bị lộ ảnh nhạy cảm, thay vì truy tìm người post ảnh để đưa ra pháp luật, các ngôi sao Âu Mỹ đã chọn cách là xin lỗi người hâm mộ về sự tổn thương mà mình đã gây ra cho công chúng.
Scarlett Johanson, Jennifer Lawrence, Kim Kardashian, Rihanna... là những người nổi tiếng là nạn nhân của việc phát tán ảnh nude lên mạng Internet.
Vanessa Hudgens: Vụ việc lộ ảnh nude đầu tiên của nữ diễn viên xinh đẹp này xảy ra năm 2007. Lúc này Vanessa mới chỉ 17 tuổi và là ngôi sao đang lên từ loạt phim ca nhạc High School Musical. Nữ diễn viên sau đó đã phải công khai xin lỗi người hâm mộ. Vào năm 2009 và 2014, nữ diễn viên/ ca sĩ tiếp tục bị chia sẻ trái phép những hình ảnh mát mẻ lên Internet.
Một số khác bình tĩnh đón nhận sóng gió và xoa dịu người hâm mộ bằng thái độ khôi hài.
Rihanna: Nữ ca sĩ da màu nóng bỏng Rihanna cũng là một trong những ngôi sao được các hacker “ưa thích” trong việc “đào bới” và phát tán ảnh nóng lên mạng Internet. Trong năm 2009, ảnh nude của Riri bất ngờ được tung lên mạng khiến nhiều khán giả cảm thấy sốc.
Nữ ca sĩ từng chia sẻ: “Nếu bạn không gửi ảnh khỏa thân cho bạn trai thì tôi cảm thấy thật tiếc cho anh ta”.
Như vậy các tin đồn trên mạng liên quan đến người nổi tiếng nếu ở cấp độ nào đó chính là thông điệp xã hội của công chúng. Thường đó là đòi hỏi người nổi tiếng phải đáp ứng các chuẩn mực tương thích với nền văn hóa, đạo đức truyền thống và hiện hành.
Theo Tuổi trẻ