Thảo luận về “Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển ngành xuất bản” diễn ra sáng 26/6 tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng chuyển đổi số là thiết yếu. Ngành sách cũng không nằm ngoài guồng quay số.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục) - nói: “Chuyển đổi số là câu chuyện sống còn, chúng ta càng đi sớm, càng có cơ hội; càng đi sau bao nhiêu, càng khó khăn bấy nhiêu”.
Từ nhu cầu cấp thiết đó, đại diện đơn vị quản lý xuất bản, các nhà xuất bản, công ty sách, công ty công nghệ đã có buổi gặp gỡ, thảo luận quanh chủ đề “Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển ngành xuất bản”.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - tại buổi thảo luận. Ảnh: Thạch Thảo. |
Ngành sách đang ứng dụng công nghệ số ra sao?
Ông Nguyễn Nguyên cho biết Cục Xuất bản, In và Phát hành đang xây dựng chiến lược xuất bản giai đoạn 2021-2025. Trong chiến lược đó có câu chuyện lâu dài hơn của ngành, đó là xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong xuất bản.
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản nêu chủ trương chuyển đổi số trong xuất bản. Ông Nguyễn Nguyên nói mong muốn thông qua chương trình, có nhiều ý kiến trao đổi, để thống nhất nhận thức: Chuyển đổi số trong xuất bản hướng đến điều gì? Nội dung cơ bản của chuyển đổi số là gì?
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành gợi mở các ý kiến thảo luận tập trung giải pháp, nêu vấn đề quanh bốn giải pháp cơ bản: Thứ nhất là thể chế, hành lang pháp lý, kỹ năng quản lý; thứ hai là hạ tầng số; thứ ba là các vấn đề liên quan nền tảng số; thứ tư là các vấn đề liên quan nhân sự số.
Ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông - nói nhà xuất bản luôn thực hiện quy trình biên tập sách in, sách điện tử; nhưng hiện nay đang sửa quy trình làm sách điện tử để phù hợp thực tiễn.
"Chúng ta cần đánh giá về hiện trạng của ngành xuất bản. Đánh giá được mới có đề xuất phù hợp", ông Trần Chí Đạt nói.
Từ thực tế hoạt động của một công ty làm sách, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT công ty AlphaBooks - nêu quá trình chuyển đổi số của đơn vị mình chia làm ba mảng.
Thứ nhất, ở mảng sản phẩm, hiện nay sản phẩm sách giấy đang được số hóa (sang ebook, audiobook). Nhưng chỉ số hóa sản phẩm giấy là chưa đủ, hiện AlphaBooks nghĩ đến và có kế hoạch thực hiện những xuất bản phẩm số, chỉ phát hành trên phương tiện số. Ở mảng này, bên cạnh nỗ lực của đơn vị xuất bản, cũng cần biện pháp phù hợp của đơn vị quản lý.
Thứ hai, đó là mảng công nghệ bán hàng trong kinh doanh. “Trước đây, chúng tôi chở sách lên Đinh Lễ, Nguyễn Xí, đưa vào hệ thống nhà sách Fahasa, Phương Nam… để bà con đến đó mua, nhưng bây giờ đã khác rồi. Trong khủng hoảng Covid-19 này, chúng tôi sống gần 100% bằng online. Chúng tôi đang tìm cách làm thế nào để kinh doanh đa kênh, kinh doanh trên các nền tảng”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói.
Thứ ba là việc quản trị số. Hiện nay đã có những phần mềm để ứng dụng, sử dụng phần mềm để quản trị số.
Ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc điều hành công ty Waka, đơn vị thực hiện ebook, truyện tranh số - cho biết hiện nay, nhiều đơn vị xuất bản coi số hóa là đích đến, nhưng thật ra đó mới là bước đầu của quá trình chuyển đổi. Với Waka, mới đang ở bước thứ hai là ứng dụng dữ liệu số hóa, bằng nhiều phần mềm.
Bước ba, chuyển đổi số là đưa phần mềm vào trong hoạt động doanh nghiệp của mình, tạo ra mô hình kinh doanh mới, dòng doanh thu mới, lúc đó tổ chức đã thay đổi toàn bộ.
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch AlphaBooks - tại buổi thảo luận. Ảnh: Thạch Thảo. |
Nhân sự, bảo vệ bản quyền là thách thức trong thời đại số
Các vấn đề của chuyển đổi số trong xuất bản đã được nêu ra tại buổi thảo luận. Ông Trịnh Minh Giang - CEO VTI Cloud - nói nhà xuất bản nên tính đến việc “dùng số” để tăng lợi nhuận trên doanh thu.
Hiện nay, khái niệm xuất bản (publishing) và nhà xuất bản, người làm xuất bản (publisher) trên thế giới đã khác. Xuất bản bây giờ không chỉ là sách.
“Ví dụ, tôi làm nội dung để đưa lên một kênh mạng xã hội, thì mạng xã hội đó chính là publishing, còn tôi là publisher”, ông Giang nói.
Dưới con mắt người làm công nghệ, sách hiện nay là text phát triển chậm so với nhu cầu của giới trẻ, bởi vậy cần nghiên cứu kỹ về các hình thức để chuyển đổi, ứng dụng cho phù hợp.
“Làm xuất bản chuyên nghiệp hiện nay là tối ưu bằng việc chỉ có một nội dung nhưng xuất bản nội dung đó trên nhiều nền tảng. Doanh thu của các ứng dụng này nhìn có thể không cao, nhưng lợi nhuận rất lớn”, ông Giang nói.
Ông cho rằng đã đến lúc sẵn sàng có những nền tảng để mỗi người đều có thể là một publisher.
Nhân lực cũng là vấn đề của xuất bản khi chuyển đổi số. Ông Ngô Đức Vinh - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Xây dựng - nói tại nhiều nhà xuất bản, các nhân sự lớn tuổi, thế hệ 6X, 7X vẫn còn tương đối nhiều, khó tiếp cận với sự biến đổi không ngừng của công nghệ.
Ông Nguyễn Cảnh Bình cũng chia sẻ vấn đề nhân sự: “Công nghệ không phải là thách thức. Thách thức là làm thế nào để nhân viên thích ứng được công nghệ. Chúng ta không thể dễ dàng sa thải họ, mà phải nâng họ lên để đáp ứng được đòi hỏi của xuất bản số”.
Còn ông Đinh Quang Hoàng khẳng định chuyển đổi số mà chỉ là ý chí của lãnh đạo thì không thể làm được. “Chuyển đổi số phải đến từ từng con người trong doanh nghiệp. Nếu mỗi người không ứng dụng được, không thể chuyển đổi số xong”, ông Hoàng nêu quan điểm.
Ông Lê Tuấn Anh đến từ công ty công nghệ Novaon, nêu vấn đề nhức nhối khác của xuất bản khi chuyển đổi số đó là bảo vệ bản quyền. “Để sao chép được sách giấy, họ mất vài ngày, cả tuần. Nhưng với sản phẩm điện tử, chỉ mất vài chục phút để sao chép, phát hành lại với tên khác, đơn vị khác”, ông Lê Tuấn Anh nêu thách thức.
Ông Lê Tuấn Anh cho rằng cơ quan quản lý, giới xuất bản, công nghệ quyết tâm thì có thể giải quyết được vấn đề này.
“Giải quyết được bài toán bản quyền, lực lượng sản xuất như nhà xuất bản mới có nguồn thu, tái đầu tư, đầu tư công nghệ làm sản phẩm trên môi trường số”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Theo Zing