Tiki bán xong 90,5% vốn cho Tiki Global, hút 20 triệu USD từ Taiwan Mobile

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 27/7, Tiki Global đã trở thành công ty mẹ của CTCP Ti Ki, với tỉ lệ sở hữu 90,54% vốn điều lệ.
Taiwan Mobile vừa rót 20 triệu USD vào Tiki, hoàn tất khoản đầu tư đầu tiên của mình tại Việt Nam
Taiwan Mobile vừa rót 20 triệu USD vào Tiki, hoàn tất khoản đầu tư đầu tiên của mình tại Việt Nam

Theo TaipeiTimes, công ty viễn thông lớn thứ hai ở Đài Loan là Taiwan Mobile Co vừa hoàn tất khoản đầu tư 20 triệu USD vào CTCP Ti Ki (Tiki).

Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp Taiwan Mobile Co và công ty con Momo.com Inc gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Cập nhật tới ngày 27/7, dữ liệu của VietTimes cho thấy, Tiki đã tăng vốn điều lệ lên gấp 10 lần, từ 229,8 tỉ đồng lên mức 2.429,8 tỉ đồng.

Sau đợt tăng vốn này, tỉ lệ sở hữu của khối ngoại tại Tiki tăng mạnh từ 49,3% lên tới 95,5% vốn điều lệ. Trong đó, chỉ riêng Tiki Global Pte. Ltd (Tiki Global) đã sở hữu tới 220 triệu cổ phần, chiếm 90,54% vốn điều lệ.

Trước đó, như VietTimes từng đề cập, đại diện của Tiki khẳng định việc chuyển nhượng 90,5% cổ phần cho Tiki Global không phải là động thái ‘bán mình’ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, Tiki muốn thành lập một ‘thực thể’ doanh nghiệp tại Singapore nhằm phục nhiều mục tiêu cho giai đoạn tới, mà trọng tâm là phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thuận lợi hơn.

Cùng với Tiki Global, Tiki cũng đón thêm 4 cổ đông ngoại, là CA Asia Internet Fund I, L.P (696.557 cổ phần, tương đương 0,287% vốn điều lệ); Tridiv Bipin Vasadava (31.170 cổ phần, tương đương 0,013% vốn điều lệ); Chan Pil Jung (10.309 cổ phần, tương đương 0,004% vốn điều lệ) và Vijay Talwar (10.322 cổ phần, tương đương 0,004% vốn điều lệ).

Trong đó, CA Asia Internet Fund I, L.P có nhiều mối liên hệ với quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Capital.

Theo một báo cáo chung của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co., Taiwan Mobile, giai đoạn 2020 – 2025, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 34% mỗi năm, đạt ngưỡng 29 tỉ USD.

Song, thị trường giàu tiềm năng này cũng đang chứng kiến cuộc đua ‘đốt tiền’ của các ‘tay chơi’ như Tiki, Lazada, Shopee và Sendo.

Nhờ đầu tư mạnh vào hệ thống vận chuyển, khuyến mãi thu hút khách hàng, Tiki nhiều kỳ liền lọt top 3 thị trường Việt Nam về lượng truy cập website. Kết quý 1/2021, Tiki tiếp tục đứng thứ 3 với lượng truy cập website trung bình hơn 19 triệu lượt/tháng.

Dù chưa có lãi, song Tiki từng được định giá lên tới 602,5 triệu USD. Ngoài các vòng gọi vốn, ngày 16/3/2021, Tiki đã huy động 1.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, với lãi suất lên tới 13%/năm./.