Đây là nội dung trong Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, quy định tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm. Các hoạt động CNTT có thể nhận ưu tiên được quy định trong 3 nhóm. Thứ nhất là các dự án đầu tư, mua ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thứ hai là các hoạt động thuê, mua ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thứ ba là dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2021. Quy định cụ thể về tính chất của sản phẩm CNTT, Thông tư ban hành tiêu chí đến 4 lĩnh vực, gồm phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.
Theo đó, các sản phẩm CNTT được ưu tiên cần đảm bảo chức năng, yêu cầu kỹ thuật phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ hoặc quy định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước (nếu có). Về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn bảo mật, các tổ chức, doanh nghiệp Việt khi công bố sản phẩm phải có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO 9001, được cấp bởi tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tương đương. Bên cạnh các yêu cầu riêng về kỹ thuật, mỗi lĩnh vực đều phải đáp ứng quy định về tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu, phát triển trên tổng doanh thu sản phẩm, dịch vụ đó của doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất.
Bộ TT&TT giao các Sở TT&TT tiếp nhận, xem xét thông tin hợp lệ do doanh nghiệp cung cấp về sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên để công bố trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Sở. Dựa trên báo cáo, Bộ TT&TT sẽ cập nhật và công bố danh mục sản phẩm, dịch vụ được ưu tiên và các thông tin liên quan theo quy định lên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Trong trường hợp các sản phẩm công bố không đạt tiêu chí, Bộ TT&TT sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.